Nguyễn đăng Trúc
Khổ đau, bi thảm, số mệnh là những
thành ngữ diễn đạt những cảm thức uyên nguyên của con người trong hầu hết các
truyền thống văn hóa. Thế nhưng qua khúc quanh kỳ lạ, mà nhiều người tôn vinh là
phép lạ Hy Lạp, biến cố con người tuyên dương mình là thước đo của chính mình,
biến cố khai sinh tư tưởng triết học, chúng lại được xếp vào vùng đất của khả
giác, nghĩa là là vùng đất tách lìa khỏi vùng trời tư tưởng. Phải đợi đến hơn
hai mươi thế kỷ sau, nghĩa là vào thế kỷ 18 và 19 truyền thống văn hóa tây phương,
đặc biệt nơi Hegel và Nietzsche, người ta mới khám phá lại sự hiện diện của khổ
đau và bi thảm như những yếu tố quan trọng trong tư tưởng triết học. Nhưng cũng
như lúc ban đầu Platon đã gặp Socrate và biến Socrate thành nhà thông thái, thành
vị tiên phong của triết học, nay triết học nhìn lại quá khứ và tiếp cận với bi
kịch Hy lạp, nhưng với tiền kiến chân lý là tự thân, đã sớm hội nhập khổ đau cũng
như bi kịch vào thành những hệ thống triết học mới trong lòng truyền thống triết
học.
Trong âm hưởng của điều mà truyền
thống triết học chưa từng suy nghĩ qua lời chất vấn về nền tảng tư tưởng của tự
thân tương quan với ý nghĩa của nhân tính, chúng ta đặt vấn đề: đâu là yếu tố làm
nên bi kịch trong định chế bi kịch Hy lạp? Và ý nghĩa nhân tính được lắng
nghe như thế nào qua nội dung bi kịch nầy?
I.
MỘT SỐ NÉT CÁ BIỆT CỦA BI
KỊCH HY LẠP
Trên bình diện lịch sư,û bi kịch
Hy Lạp không phải chỉ là một lối giải trí tập thể, một sinh hoạt nghề nghiệp nào
đó trong muôn ngàn sinh hoạt khác nhau, nhưng là một định chế hướng dẫn tư tưởng
người dân Nhã Điển trong vòng một thế kỷ, thế kỷ khai sinh nếp sinh hoạt của thành
phố dân chủ với những luật lệ liên hệ.
Nếu huyền thoại được gọi là những ẩn
số về nhân tính,1 thì bi kịch là nơi mà thân phận làm người được
nêu lên như một vấn đề.
Jean Pierre Vernant và Pierre
Vidal-Naquet trong cuốn Huyền thoại và bi kịch của Hy Lạp cổ xưa2 nhận định về sự kiện các biệt đó như thế nầy:
“Người ta có thể nêu lên là bi
kịch xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ VI trước công nguyên khi ngôn ngữ huyền thoại
không còn tác dụng trên thực tế chính trị của thành phố...Trong khuôn khổ mới của
bi kịch, người hùng không còn là kiểu mẫu phải noi theo, nhưng đã trở thành một
vấn đề cho mình và cho kẻ khác...Bi kịch Hy lạp xuất hiện vào một thời lịch sử
nhất định. Người ta thấy nó được khai sinh ở Nhã Điển, phát triển ở đó rồi suy
tàn trong khoảng một thế kỷ. Tại sao? Không phải chỉ có vấn đề bi thảm được diễn
tả nơi ý thức ray rứt khốn khổ, những mâu thuẩn giằng co nơi tâm con người; cần
tìm xem những đối nghịch bi thương đó ở vào bình diện nào, trong những điều kiện
nào mà những tương khắc đó xuất hiện”.
Tiếp theo nhận định nầy, trong khuôn khổ của một
phương pháp của một bộ môn khoa học nhân văn, tác giả nhắc nhỡ rằng trước khi đi
vào nội dung bi kịch Hy lạp, thiết tưởng phải lưu ý đến những hoàn cảnh tâm lý
và xã hội của người dân Thành Nhã Điển trong đó bi kịch xuất hiện:
“Bi kịch nối
tiếp các anh hùng ca, thi ca tình cảm, và tàn lụi khi triết học xuất hiện;
trong khuôn khổ của một một loại văn thể,
nó xuất hiện như một lối kinh nghiệm cá biệt của con người, liên quan đến quan đến
những điều kiện xã hội và tâm lý nhất định”. 3
Theo tác giả, kinh nghiệm cá biệït
của con người được nêu lên đây là kinh nghiệm con người “công dân”, con người
trong các mối tương giao làm nên mình; các tương giao ấy được nhìn, được đánh
giá trong khuôn khổ của các giá trị thực tế đang điều hành cộng đồng Thành phố
Nhã Điển. Trong khuôn khổ đó, tác giả nhận định tiếp thế nầy:
“Walter Nestle nhận định đứng đắn rằng bi kịch
khởi đầu khi con người nhìn huyền thoại với con mắt của người công dân. Nhưng
không phải chỉ có thế giới huyền thoại mất đi thế giá và tan rã dưới cái nhìn nầy.
Thế giới của thành phố đồng thời lại bị đặt thành vấn đề và bị phi bác ngay nơi
các giá trị nền tảng của nó qua cuộc tranh luận nầy.”4
Bi kịch là một định chế, mà là một
định chế đặc biệt: nó là tiếng nói văn hóa, không phải để diễn tả các thực tế
sinh hoạt xã hội, những sáng kiến, ước mơ hay tình cảm của cá nhân hay tập thể
trong khuôn khổ của những giá trị đã làm nên thế giới của con người nơi các mối
tương quan đang làm nên xã hội. Định chế hay loại văn bi kịch ấy đưa toàn bộ thực
tại cũng như những nền tảng xây dựng nên xã hội đối đầu với một cảm thức gọi là
Định Mệnh. Nói cách khác bi kịch biến toàn thể thực tại thành vấn đề.
Định chế bi kịch đó thấm nhập toàn
thể những người làm nên xã hội đương thời qua một lối trình diễn đặc biệt: người
diễn kịch cũng như ca đoàn đại diện cho dân chúng đang tham gia buổi trình diễn
đi vào cuộc thảo luận. Các nhân vật trong bi kịch không phải là anh hùng, nghĩa
là mẫu mực giá trị nhất định nào đó, nhưng là khuôn mặt của “người công dân” Hy
lạp đang bị đặt thành vấn đề, những ẩn số
làm cho mọi người suy nghĩ.
“Trong chân trời bi kịch, con người và nhân vi không
được xuất hiện như những thực tại mà ta có thể định nghĩa hay mô tả, nhưng được
nêu lên như những vấn đề. Chúng được trình bày như những ẩn số mà ý nghĩa của
chúng không bao giờ có thể qui định rõ thế nầy hay thế khác”5
Thách đố của tư tưởng trong bi kịch
Hy Lạp không phải khả năng giải mã một khó khăn dựa vào những qui luật hiểu biết
đã có sẳn, nhưng là cảm nhận và chia sẽ nỗi khắc khoải, nỗi đau của kiếp làm người,
thể hiện nơi ý thức về mâu thuẩn giữa thiện chí con người, giữa những nguyên tắc
làm nên công lý tạo mối tương quan giữa người với người (trong khả năng hiểu biết
tối đa của con người) và bên kia là công lý khắc nghiệt của Định Mệnh. Trong bối
cảnh giằng co giữa hai thế giới, giữa hai mối tương quan khác nhau, nơi công lý
con người và nơi Định Mệnh, bi kịch Hy Lạp sẽ có lối sử dụng ngôn ngữ với những
nội dung lắm lúc mâu thuẩn với nhau trong cùng một bản văn, không khác những lối
nói thi ca của các nhà tư tưởng mà chúng ta có thể chứng kiến nơi Héraclite,
Parménide và Socrate:
“Ngoài vấn đề nhân vật bi kịch,
có một lãnh vực khác mà người minh giải cần truy tím các khía cạnh tạo nên căng
thẳng và đối nghịch. Chúng ta đã nói là các nhà bi kịch sử dụng lối văn luật pháp.
Nhưng khi dùng loại ngữ vựng nầy, thì hầu như họ thường thi thố tài hành văn của
mình với những ý nghĩa còn chập chờn, mập mờ, chưa hoàn chỉnh (....). Thật thế,
người Hy Lạp không có ý niệm về một lối luật pháp tuyệt đối, dự trên các nguyên
tắc, được tổ chức thành một toàn khối chặt chẽ. Đối với họ, có những cấp độ và
những tầng luật pháp chồng lên nhau, và có những cấp tầng pha trộn hoặc lấn
chen nhau. Một mặt có luật liên hệ đến
uy quyền thực tế, dựa trên sự cưỡng chế, mà theo một nghĩa nào đó, nó là sự tiếp
nối của luật pháp. Phía kia là luật liên quan lãnh vực tôn giáo, liên hệ đến những
quyền lực linh thiêng, trật tự của thế giới, công lý của Zeus”6
Bi kịch Hy lạp là một định chế đặc
biệt của một thời kỳ nhất định của Thành Nhã Điển; nó diễn tả mối căng thẳng và
tranh chấp không có câu giải đáp giữa công lý làm nền cho các mối tương giao của
thế giới người công dân (homo politicus) và một công lý thường được gọi
tên là Định Mệnh. Nhưng định chế của một thời, hình thức nghệ thuật sân khấu, bối
cảnh của đề tài là người công dân trong trật tự xã hội thành Nhã Điển , hình ảnh
thi ca vay mượn lối văn thần thoại...tất cả những nét riêng đó không phải là yếu
tố thiết yếu làm nên sinh lực của điều được nhắc đến như tư tưởng bi kịch trong
định chế bi kịch Hy lạp. Bi kịch Hy lạp là tư tưởng, là nơi gặp gỡ văn hóa nhân
loại khi ý nghĩa nhân tính đã được nêu lên như một vấn đề.
Và ý nghĩa nhân tính hay sinh lực
làm người được gọi là bi kịch: con người là người vì ở trong cuộc chiến
không lối thoát giữa tự thân và Mệnh.
II. PROMÉTHÉE, MỘT CUỘC CHIẾN BI THẢM CỦA NGHIỆP
LÀM NGƯỜI
Eschyle và Sophocle là hai văn hào
bi kịch Hy lạp tiêu biểu. Và hai nhân vật Prométhée và Oedipe trong hai vở kịch
Prométhée bị trói và Oedipe Vua của hai tác giả thường được người
ta nhắc đến như tinh hoa văn hóa của lối
tư tưởng nầy.
Thế nhưng, rất sớm, Prométhée, một
lối diễn tả thân phận con người trong tư tưởng bi kịch dường như không còn được
nhắc đến như một hứng khởi cho suy tư nữa.
Prométhée được nhắc đến trong tác phẩm Protagoras
của Platon không còn gì tơ vương với ý nghĩa nhân tính trong bi kịch Hy Lạp.
Trong lối diễn tả độc thoại của Protagoras ở tác phẩm nầy, Prométhée là biểu tượng cho khả năng con người
biết làm nên các dụng cụ để sống còn trong cuộc sống chung với muôn sinh vật
trong trời đất. Con người qua Prométhée mặc dầu tham gia với thần thánh bằng chứng
là làm hình tượng và thờ các thần, con người ấy biết nói (vốn là một thành ngữ
nói lên phẩm giá cao độ và đặc loại của con người), biết làm nhà ở, biết lo ăn
lo mặc..., nhưng lại chưa biết đến các mối tương quan của con người xã hội, nghĩa
là con người biết tụ họp thành thành phố, biết nghệ thuật chiến tranh, biết liêm
sĩ và công lý.7 Thời gian xuất hiện tác phẩm Prométhée bị
trói đến câu chuyện được ghi lại trong Protagoras chỉ cách nhau mấy chục năm,
nhưng qua lối tiếp nhận ý nghĩa thi ca nơi biểu tượng Prométhée, chúng ta chứng
kiến tâm thức văn hóa của dân thành Nhã Điển đã thay đổi trong nháy mắt. Tư tưởng
bi kịch và thi ca như hụt hơi trước trào lưu phát triển của hiểu biết sự vật.
Con người không còn là vấn đề cho mình; nhưng con người qua Prométhée của
Protagoras tự định nghĩa mình là thước đo chính mình và thước đo vạn vật; và
trong vòng vi đó con người tạo nên hình tượng, đền thờ thần thánh, lời nói và các
dụng cụ khác để chỉ sống còn như các sinh vật khác trong vũ trụ thiên nhiên. Đến
hậu bán thế kỷ 19, Nietzsche đã phục hồi lại vị thế tư tưởng nơi biểu tượng
Prométhée. Nhưng Prométhée của Nietzsche được nhai đi nhai lại nơi nhiều tác giả
đi sau ông thực ra là một sáng kiến riêng của Nietzsche, một hình ảnh tương tự
với Faust, lý tưởng cho con người biết (homo sapiens) và con người chơi (homo
ludens), của văn hóa thời đại tân kỳ của chúng ta. Nietzsche viết rõ rằng:
“Vinh quang của thụ động đau thương (nơi Sophocle),
nay tôi chống ngược lại qua hào quang sáng rực trên đầu của Prométhée nơi
Eschyle. Điều đó là những gì nhà tư tưởng Eschyle muốn nói với chúng ta ở đây;
qua lối nói thi ca, điều mà ông chỉ gợi
cho chúng ta tiền cảm được nơi hình ảnh biểu tượng ấy thì Goethe vào lúc còn trẻ
đã nói rõ ra qua những lời nói táo bạo nầy của Prométhée:
Nầy ta đây, ta uốn nắn con người
Theo hình ảnh ta,
Một giống tộc giống với ta,
Để đau thương, để khóc lóc,
Để hưởng thụ và hỷ hoan,
Và để đừng tôn vinh ngươi
Như ta” (V.51-57 trong bài thơ Prometheus của Goethe, năm
1773)
8
Con người, tự nâng mình lên làm thần,
tự tạo cho mình một nền văn minh và buộc thần thánh phải liên kết với mình, vì
qua sự thông thái riêng của con người, nó quyết định có thần thánh hay không và
những quyền lực của giới nầy”9
Hình ảnh một Prométhée, “Người
loan báo ‘ ngày tàn của thần thánh’ và cổ súy tôn vinh con người; đó là
hình ảnh mà thi sĩ và triết gia thế kỷ XVIII và XIX từ Goethe đến Michelet, xuyên
qua Shelley, Byron hoặc Karl Marx lặp lại và yêu thích.”10
Ýù nghĩa nầy về Prométhée của
Nietzsche đã quá quen thuộc với tâm tư của văn hóa thời đại đến độ tỉnh từ “có
tính cách Prométhée: prométhéen” làm người ta nghĩ ngay đến nội dung mà
tác già Geneviève Droz ghi lại trên đây. Nhưng nó quen thuộc và được chấp nhận
một phần vì sự hiểu biết làm nên nhân phẩm con người đã được triết học định vị
như thế từ ngay thủa ban đầu xây dựng nên nó. Có thể Nietzsche đã dùng lối nói
hung hăng, một lối văn chương triết học có nhiều màu sắc và hợp thời hơn, nhưng
hình ảnh Prométhée với ý chí quyền lực “ta chỉ muốn ý muốn của ta”11 không có gì khác hơn Prométhée qua lời xác quyết
của Protagoras: con người là thước đo muôn vật.
Prométhée trong bi kịch Hy Lạp, bi
kịch của kiếp làm người bị giằng co giữa hai con đường: con đường của tự thân với
những tương quan do mình kết dệt cho mình qua khả năng hiểu biết sự vật và con đường
mà con người chỉ cảm nghiệm như một lời từ chối con đường mình đang đi; lời từ
chối đó gọi là Mệnh. Prométhée chiến đấu
bi thương trong bi kịch Hy lạp không hề xuất hiện, và chúng ta sẽ thấy tại sao
không thể xuất hiện được trong thời kỳ xuất phát triết học và ngay cả vào thời đại
muốn phục hoạt lại bi kịch Hy Lạp trong khuôn khổ tư tưởng triết học, đặc biệt
qua tư tưởng của Nietzsche. Nhưng như một số kiếp con người trong lịch sử, một
cách nào đó tư tưởng triết học đã đưa nhân loại khai phá dần khuôn mặt của tự
thân, là con đường hiểu biết vô cảm, không hề biết khổ, là một phần nơi toàn thân
Prométhée.
II- A. Prométhée: vấn đề con người như tự thân đối đầu với lời giấu mặt
Prométhée của Eschyle là Prométhée
của bi kịch Hy Lạp, của thời kỳ các nhà tư tưởng Héraclite, Parménide nghe được
Logos, một lời không phải lời con người đang nói, như một tiếng vọng quấy rầy con người. J-P.
Vernant và P. Vidal-Naquet nhận định rất chính xác rằng Prométhée là chính con
người được đặt thành vấn đề. Mỗi lời nói, hay tác động, phản ứng của Prométhée
như hàm ngụ hai nội dung đang thách đố và
đối đầu với nhau. Và mỗi con đường, mỗi nội dung thoáng hiện ra nơi diễn tiến của
câu truyện lại đặt thành vấn đề ngay cho chính mình.
1/ Vấn đề đặt ra ngay cách hiểu về tựa đề bản
kịch
Trước hết là tên gọi của kịch bản
mà chúng ta đang nêu lên: kịch bản Prométhée bị trói. Trong tư tưởng như
một cuộc tranh chấp, hẳn có hai lối thẩm định:
- Nhân
tính con người cần được nêu lên trong tư tưởng bi kịch là nhân tính trong thân
phận con người tại thế đang bị trói. Vị thế thụ động, bị, cảm thức khổ đau không
có một nội dung y như hình ảnh tương tự ở trong trật tự của người “không biết đến
tư tưởng bi kịch”, của con người hiểu biết và xúc cảm như bao sinh vật khác. Thụ
động trong chữ bị trói có nghĩa là được nối lại với cảnh vực ngoài cảnh
vực của tự thân, do một lối tương quan, một sợi giây không phải tự do mình làm
ra cho chính mình. Thụ động ở đây không tơ vương gì với định luật động hay tỉnh,
sung sướng hay buồn vui trong nhận thức sự vật hay trong cảm thức tâm sinh lý.
- Nhưng
cũng có lối thẩm định của thế giới tự thân, xác quyết con người là thước đo làm
nên nhân tính, thì bị trói được hiểu là một giá trị tiêu cực mà con người phải
giải phóng để khai mở thời đại mới, thời đại con người làm chủ vũ trụ thiên nhiên
và quyết định giá trị và hướng đi của lịch sử.
Trong tư tưởng của Eschyle, hai lối
thẩm định luôn ở thế giằng co và làm nên bi kịch. Quyết định vượt qua cuộc
tranh chấp nầy như một cuộc giải phóng, để xác quyết việc tôn vinh sự toàn thắng
của con người hiểu biết hoặc con người ý chí quyền lực của Nietzsche là đã kết
thúc cuộc chiến nơi ý nghĩa nhân tính.
2/ Tư tưởng và công lý
Héraclite và Parménide cảm nhận được
sự xa cách giữa Logos và lời con người, giữa chân tính và nhận thức con người về
sự vật và thường xoay quanh một số nội dung như đúng hay sai, giả hay thật, tìm
hay gặp, đồng nhất hóa hay hy vọng bất ngờ...; trong các bi kịch Hy Lạp, điểm nổi
bật của tư tưởng lại xuất hiện nơi mối xung đột của nhận thức con người về các
nền tảng xây dựng công lý và cảm thức về Định Mệnh.
Bi kịch Hy Lạp lôi kéo các nhân vật,
ca đoàn, người viết kịch và dân thành Nhã Điển vào một vụ án. Mỗi cử chỉ, mỗi lời
nói đều hàm ngụ những phê phán khác nhau đang tố giác và đồng thời đang biện hộ.
Và “con người được nêu lên thành vấn đề” là toàn bộ cuộc chiến. Ngay cả ca đoàn
là tâm thức người dân Nhã Điển cũng đi vào vụ án, không phải là thẩm quyền để nói
lời cuối cùng, để kết tội hay tôn vinh những giá trị tích cực nào đó như những
anh hùng, nhưng được nêu lên như một thực trạng đáng đặt thành vấn đề.
- Nền
tảng của công lý bình đẳng đang chi phối các mối tương quan làm nên con người
chính trị xã hội thành Nhã Điển bị một âm vang nào đó, được gọi là Mệnh, đặt thành
vấn đề một cách vô lý. Lý ấy được tiền kiến là những sức mạnh và
khả năng mà con người có sẳn trong tay để kết dệt nên những tương quan khác nhau
làm nên con người mình.
- Sau
khi bị Mệnh từ chối uy quyền, tài năng và sức mạnh của mình, qua ba sứ giả của
Mệnh là Thần Uy Quyền, Thần Tài Năng và
thần Sức Mạnh, Prométhée tượng trưng cho lý nơi nguyên tắc của công lý bình đẳng
mới lên tiếng trình bày về thân thế và công trạng của mình:
Lý mà Prométhée dựa
vào để lên tiếng là con của Thần Công Lý Thémis, nhưng nền công lý ở đây
còn gọi là Thần Đất Gaia. Nhiều tác giả cho rằng Eschyle đã lẫn lộn hai
nhân vật nầy trong danh sách những nhân vật huyền thoại Hy Lạp, nhưng kỳ thực đây
không phải là một sự lầm lẫn mà là một lối dụng văn để gợi ý. Gaia và Thémis ở đây
là một nội dung trong hai tên gọi,12 nghĩa là những nguyên lý giúp con người mở ra với
bên ngoài và có được sự phân biệt, hiểu biết sự vật. Sau nầy có chữ géomètre
(đo đất) để chỉ sự hiểu biết chuyên môn nầy. Trong phần kể những công trạng tài
năng mình, Prométhée nêu rõ tài năng dùng các con số (để đo lường) để tính toán
mọi sự là sự hiểu biết tối cao nơi con người.13
Lý ấy dùng mưu (hay còn có nghĩa là
theo lời khuyên Gaia hoặc Themis nầy) để hạ bệ Cronos và tôn vinh một Zeus
theo ý của mình. Prométhée diễn tả một cách khác về việc lật nhào Thời gian
(Cronos) và làm nên con người mới, homo sapiens, con người hiểu biết như
sau:
- Prométhée: Vâng, ta đã
xóa được những nỗi hãi hùng mà cái chết ám
ảnh con người...(v 248)…
- Ta đã
gieo vào trong họ những ảo vọng. (v 250)
Thời gian (Cronos) được cảm nhận nơi cái chết,
ý thức giới hạn gắn liền với khát khao vô hạn, cảm thức đó phải bị hạ bệ; và Lý
của Prométhée sẽ dùng mưu để tự mình làm nên thần thánh đáp ứng với ý muốn và
mong đợi của mình. Prométhée của Eschyle gọi tên Zeus theo ý của mình, ý
niệm Zeus thần thánh đó là ảo vọng.
Cũng Lý ấy cho phép con người có
những tài năng, tức là làm cho mình có mặt và lớn lên để hoàn thành nhân tính
trong khuôn khổ hiểu biết, còn được gọi
là tài “đo đất”. Từ suy tư hiểu biết, biết tính toán, biết viết, biết văn hóa,
nghệ thuật, tổ chức nghề nghiệp, nghi lễ tôn giáo, khai thác thiên nhiên, kiến
tạo các nền văn minh : “nói tắt một lời: mọi tài của lài làm người hay
chết đều do Prométhée” 14
Và quan trọng và rốt ráo hơn cả là
thước đo làm nên con người “tự thân đó” đương nhiên cũng phải tự xem là định
chuẩn cho chân lý và thiện hảo. Thémis cũng là Gaia, sự ngang bằng trong phán đoán
của lý trí hiểu biết, đo lường sự vật đương nhiên cũng là nguyên tắc để đặt nền
cho công lý áp dụng cho lối tiếp cận các mối tương quan làm nên nhân tính. Và dựa
trên định chuẩn công lý bình đẳng nầy, thì sự xuất hiện một âm vọng nào khác
ngoài sự ổn cố, tự lập tự mãn nầy đúng là bất công. Những oán than của Prométhée,
những lời an ủi của ca đoàn, thần thánh bạn bè Prométhée diễn tả nỗi đau của
Prométhée là bất công, là đáng phẩn nộ..., tất cả những phẩn nộ, khổ đau ấy đều
nằm trong khung trời của Prométhée đo đất để làm người nầy.
- Do
sự chạm trán với Mệnh, Prométhée mới quay lại được với thực tại trong khổ đau và
nhận ra khuôn mặt “tự thân”của mình, nhận
ra “‘Pro’ nơi Prométhée”, tức
là dự kiến, cái phóng ra đằng trước (ban cho con người lửa=lực và tài năng=quyền)
trong tác động vất bỏ, hạ bệ một chiều kích được xếp ở sau lưng như quá khứ (hạ
bệ Cronos và tạo cho mình một loại Zeus). Đằng trước đó là dự kiến một
nhân tính hoàn toàn do bàn tay, công sức của mình được xây dựng, tu bổ trong thời
gian. Tiến trình đó làm nên một loại thời gian riêng, thời gian lịch sử người làm
nên người. Mỗi bước đi tới như thế đều hàm ngụ một sự nhốt tù Cronos và tôn
vinh một Zeus mới theo dự phóng của mình. Nhân tính đó được nhận ra như không sợ
chết và có những ước mơ vô tận hảo huyền.
- Nhờ
đụng chạm với Mệnh, con người ý thức thân phận của mình, sự kiện đó cũng có nghĩa
là con người được mời tham dự vào cuộc tương tranh về thẩm định giá trị: Trước
một thực tại con người có thể quên Cronos và tạo Zeus theo ý mình, có một Prométhée
xem thực tại đó là một thành tích trong dự kiến (pro) người làm nên người.
Nhưng cũng trước cùng một thực tại ấy, có
một âm vang của Mệnh nhắc rằng: “Nay ngươi làm đều táo bạo ở đây, và trao
cho những kẻ phù du những đặc ân dành cho thần thánh. Những kẻ hay chết ấy làm
gì được để làm nhẹ gánh khổ đau của ngươi?” (v 82-84)
Prométhée mới, Prométhée lắng nghe
được Mệnh như âm hưởng về nền tảng của tự thân tương quan với ý nghĩa nhân
tính, Prométhée ấy là con người khổ đau. Prométrhée ấy sẽ thấy trước (Pro),
nhưng trước đây không phải trong chiều kích ngôn ngữ và công lý của Prométhée
cũ. Nhưng trước là dẫn vào một con đường mà không có một con đường nào mà con
người trong khả năng mình tự làm ra được, con đường Khổ.
3/ Khổ và chân tính con người tại thế
Có thể xác định rằng không có Khổ
thì không có tư tưởng về thân phận và chân tính con người tại thế và cũng không
thể có bi kịch Hy lạp. Nhưng Khổ là cảm thức về chân tính con người mà bi kịch
Hy Lạp diễn tả lại không hề được nhắc đến trong các phạm trù của tư tưởng triết
học. Sự kiện nội dung Khổ nầy vắng bóng trong truyền thống triết học là một
trong những dấu chỉ về sự khác biệt của tư tưởng triết học và các nền văn hóa
khác kể cả nền văn hóa Hy Lạp tiền triết học.
Cũng như Parménide, Héraclite,
Socrate và các hiền nhân trong các nền văn hóa nói chung, tư tưởng trong bi kịch
Hy lạp luôn là khắc khoải hay thắc mắc về thân phận của con người, chứ không phải
là tò mò hiểu một điều gì khác.
Héraclite và Parménide thắc mắc về
nhân tính phát xuất từ cảm thức về một sự xa cách và xung đột giữa Lời căn nguyên
lôi kéo con người lên với thần thánh và lời con người phân biệt ngày đêm, đo lường,
phán đoán trong khuôn khổ hiểu biết về sự vật như những dụng cụ của mình. Còn
Socrate thì dấn thân làm người trong thân phận đang bị chi phối bởi hai lối hiểu
biết đang xung đột nhau.
Các bi kịch gia Eschyle và
Sophocle nêu lên vấn đề nhân tính không những qua cảm thức về sự xung đột giữa
tự thân và chân tính, mà còn khai mở cho thấy sinh lực của chân tính trong thân
phận con người tại thế là Khổ.
Để tiếp nhận ý nghĩa về Khổ căn
nguyên nầy, chúng ta trở lại bản văn bi kịch Prométhée bị trói của
Eschyle.
- Khổ diễn tả cảm thức về một cuộc
gặp gỡ khai mở tương quan làm nên chân tính con người
· Bản
văn của Eschyle mở đầu bằng sự xuất hiện trước của các Thần đại
diện Zeus (Thần Uy Quyền , Thần Tài Năng, Thần Sức Mạnh), đến để xử tội và
đóng đinh Prométhée. Nhờ sự xuất hiện đột ngột và khởi nguyên nầy, Prométhée vốn
ở trong tư thế an tâm đi tới trong thế giới do bàn tay mình tạo ra, giật mình và
nhận ra thân phận của mình: một thân phận bị dằng co giữa một Prométhée tự thân
đã đẩy lui Cronos, tôn vinh một Zeus mới với những mơ ước hảo huyền theo ý
mình, và một Prométhée đang thiếu vắng những tương giao để làm nên nhân tính.
Cuộc gặp gỡ, cuộc chiến giữa hai thân và cảm thức Khổ gắn liền với nhau tại nên
một cảnh vực riêng gọi là cõi người ta.
· Nhưng
đi vào cõi người ta để tiếp nhận sinh lực làm người cũng có nghĩa là phải Khổ,
theo nghĩa là diệt ngã, nghĩa là lìa tự thân để đi vào tương giao mới:
-
Phải đi ra khỏi ‘quê người’ là thực tại quen thuộc trước mắt.
Câu đầu tiên được viết như sau:
“Thần Uy Quyền: - Nay chúng ta đến trên một vùng đất của một xứ
xa xôi, quê người Scythes, giữa một sa mạc không bóng người...”15
- Lửa từ Thần Tài Năng
Hèphaistos, vua của nghề nghệp, của thước đo sự vật, nay không còn được đánh giá
là tạo văn minh tiến bộ, nhưng là tác năng đóng đinh Prométhée. Hai Thần Uy Quyền
và Sức Mạnh không phải là vinh quang của quyền uy và sức mạnh con người tự mãn
Prométhée, nhưng là Lửa đốt cháy tự thân,
là những hình ảnh về lệnh truyền của Zeus để làm khổ Prométhée.
- Prométhée
với những dự phóng văn minh, một tiên tri cho nhân loại tương lai nào đó nay biến
thành một tiên tri, một khả năng thấy trước về sự bất lực của chính mình, hay ý
thức về giới hạn của tự thân:
“Thần Uy Quyền: “Các thần thánh sai lầm khi gọi người là tiên tri
(Prométhée); chính người lại cần một tiên tri (Prométhée) để biết cách thoát khỏi
những gút mắt hiểu biết ấy” (v 1-2).
- Và
toàn bộ tương quan mới, nghĩa là con người trong tư thế gặp gỡ với Mệnh, con người
nhận ra giới hạn của tự thân gắn liền với nghiệp làm người của mình, con người
chiến đấu để vượt lên trên đường mòn bằng lòng với mẹ Gaia và loại công
lý dựa trên lý trí hiểu biết sự vật (= Thémis cũng chỉ là Gaia), để
đi vào chiều kích tương giao với Mệnh. Mệnh là một loại Công Lý mà ngay cả Zeus
(đang làm khổ Prométhée) cũng đành thua.16
- Và
Khổ gắn liền với nghiệp làm người tại thế: trong tư thế
con người tại thế, sự gặp gỡ với Mệnh qua hình ảnh Thần Uy Quyền, Thần Tài Năng,
Thần Sức Mạnh với Prométhée không ban cho Prométhée diệt dứt tự thân là Prométhée
cũ để thể hiện ngay trong cõi đời nầy một Prométhée chu toàn nhân tính trong mối
tương giao trọn đầy với Zeus nào đó. Dứt tự thân là tìm gặp lại Cronos, thời
tính của nhân tính, là cư ngụ trong cõi người ta, là Khổ, nghĩa là luôn phải
chiến đấu giữa tự thân và chân tính như cảm thức thiếu vắng những mối tương
giao làm nên nhân tính.
-
Khổ và sự thách đố làm người
Trong phần đầu bản văn Prométhée
bị trói, Thần Quyền Uy của Zeus lên tiếng nơi sa mạc vắng người.17 Từ Quyền Uy của tiếng nói xa lạ đó, Prométhée
vốn là thân phận con người tài năng, “là kẻ có những tư tưởng cao siêu, con
của thần khôn ngoan Thémis”...(v 18) , là kẻ làm ra Trời để xóa Trời, khi tự
mình hạ bệ được Cronos và tôn vinh một Zeus nào đó theo ý mình (= Tề Thiên),
là mẫu mực công lý của người công dân, Prométhée ‘ta làm nên ta ấy’ bổng
nhận ra lý lịch thật của mình trong mối tương quan với Kẻ Khác, ý thức mình
mình là kẻ mang tội ác ngay nơi thực tại của chính mình – một thực tại chỉ có
mình với mình với những tương quan giả đối chiếu với ý nghĩa nhân tính - , mình
là một thực tại bị cắt đứt tương quan với thần thánh. Gắn liền với việc cảm nhận
lý lịch thật của mình trong mối tương giao với Kẻ Khác là khổ đau: chịu khổ
hình, bị trói, chịu đóng đinh vào mỏm đá, chịu giáo đâm xuyên qua ngực.18
Tội oan khiên và khổ đau vô cớ, chỉ
vì đã mang thân phận con người!
Không lắng nghe được âm vọng bên
kia bờ tự thân, âm vọng dội lên nơi sa mạc xa bóng người, không tiếp cận được ‘điều
thời chúng ta chưa suy nghĩ’, thì không có cảm thức thân phận con người tại thế
‘như đã lạc lối’, mang tội căn nguyên là quên lãng tương giao làm nên lý lịch
‘người’ của mình. Và hẳn nhiên không đi vào được Khổ làm nên bi kịch căn nguyên
của thân phận con người mà bi kịch Hy lạp là một vết tích.
Thảm kịch làm người, Khổ, không phát
xuất từ bất cứ lối cảm nhận, suy luận hay giải thích nào từ khả năng con người
và nền công lý mà con người khai triển được, - công lý bình đẳng, công lý dựa
trên nguyên tắc nhân-quả-. Nó không vô lý hay hữu lý dựa trên lý mà con
người có trong tầm tay.
Bản kịch được đặt tên Prométhée
bị trói: ‘bị trói’ cho thấy tình cảnh con người thụ động
và tự mình không còn phương cách tháo gỡ. Thụ động trước hết hàm ngụ ý
nghĩa là con người nhận ra mình trong một cuộc gặp gỡ bất ngờ (=
theo lối nói nhà Phật là ngộ). Thụ động trong âm hưởng thi ca của các ngôn
ngữ (paqoz, paqhsiz, affection, passion..) như đã tiên liệu một thực trạng
tự động (auto), tự nhiên di nhiên, vô cảm. Nói cách khác thụ động
nầy có nghĩa là sự tiếp cận bất ngờ, gợi lên mối tương giao mới (theo nghĩa là
không dựa trên nền tảng các mối tương giao diễn tả tác động của tự thân), khác
lạ, nơi nhân tính; chứ không nằm trong tiền kiến chủ động và thụ động với những
giá trị tích cực và tiêu cực đã được tiền kiến nơi tự thân.
Và trong ánh sáng xa lạ nơi vùng
trời gặp gỡ nầy, tự thân mất thế đứng làm chuẩn mực cho ý nghĩa nhân tính; nguyên
tắc đồng nhất lung lay trước lời tra vấn về những chiều kích kết dệt nên sự sống
con người. Thực tại con người đang ung dung tự tại dưới áng sáng tự thân sẽ nhận
ra hơi thở làm nên sự sống mình trong cuộc gặp gỡ bất ngờ. Trong thân phận con
người tại thế, sự sống ấy gắn liền với sự
chết của tự thân (= tự thân vốn là cái chết của nhân tính); sự sống của thực tại
con người với hơi thở mới nay được cảm nhận là Khổ, hàm ngụ sự căng thẳng từng
giây phút giữa tự thân luôn vẫn trói buộc con người và chân tính con người chỉ đến
với mình như một lời từ khước tự thân! Vì thế Khổ là ý nghĩa chân tính của thực
tại nhân sinh. Khổ
- như
bước hụt hẫng căn nguyên, một tình trạng bị bỏ rơi, một nỗi khát khao chân lý mà
không một chân lý nào trong tầm tay con người thỏa mãn được,
- và
đồng thời như phải nhận ra là thân phận mình ‘bị buộc trói’ trường kỳ với tự thân,
và đồng thời phải ‘diệt tự thân’ (= nhà Phật gọi là diệt ngã, thánh kinh
Kitô giáo gọi là chết đi con người của mình).
Lối nói thi ca của các nền văn hóa
gọi âm hưởng của lời đến thăm viếng bất ngờ, ánh sáng từ Trời làm mù đôi mắt trần
tục.., lôi kéo con người ra khỏi niềm an vui của tự thân trong thực tại quên lãng
ý nghĩa nhân tính nơi thảm kịch làm người nầy, là Mệnh.
Trong bản văn Prométhée bị trói,
Mệnh có nghĩa mệnh lệnh tối hậu, quyền uy bất khảkháng của Chân Lý.(Chúng ta sẽ
gặp chữ Mệnh ấy bằng nhiều lối nói khác nhau trong bài thơ của Parménide khi nhà
tư tưởng nầy nói đến Chân lý).
Mệnh sẽ không còn âm hưởng bi kịch,
khi ta tiền kiến một nền công lý, một loại chân lý nào đó mà tài sức con người đặt
nền được bằng cách nầy hay bằng cách khác. Mệnh không phải là sự khắt khe của một
thứ chân lý, một thế lực tự nhiên, một bộ máy lăn quay vô tình lôi kéo người vào
trong đó; không phải là một loại công lý mà con người tiên kiến được nền tảng và
phương thức điều hành của nó (như loại công lý dựa trên nguyên tắc đồng nhất và
định luật nhân quả của lý trí giúp con người hiểu biết sự vật). Nếu lấy lại những
hình ảnh mà Eschyle đã dùng trong vở bi kịch Prométhée bị trói, thì có thể
nói Mệnh không phải là Ông trời Zeus do Prométhée và Gaia sắp đặt để đưa lên ngôi
theo ý mình. Mệnh là sự bó buộc của Chân Lý mà không tên Zeus nào từ tim óc con
người tiếp cận được, không miệng nào gọi tên được, cho nên Zeus mà Io
từng gợi tên để hỏi Prométhée cũng không thể vượt qua Mệnh nầy.
Cũng vì thế, bên cạnh Mệnh tưởng
chừng như đối thủ trả thù và làm khổ Prométhée một cách vô cớ theo lối định giá
của công lý con người, thì Mệnh còn được Esclyle diễn tả như Duyên từ Trời đến với con người, một bất ngờ
vượt lên trên, bên ngoài mọi ước mơ và dự án của thế giới tự thân.
Nietzsche chỉ dừng lại nơi một
Prométhée chỉ bị buộc trói bởi tự thân để phản kháng một Zeus mà chính mình đưa
lên, một Mệnh mà mình đã dự kiến. Nietzsche quên rằng Prométhée ở trong tư thế
mâu thuẩn, tư thế tranh chấp giữa hai chiều kích đất trời: Prométhée thực sự chỉ
lên tiếng khi Khổ đã được cảm nhận trước đó từ một cuộc gặp gỡ (=ngộ) với
các sứ giả của Zeus, một Zeus vượt lên trên và ngoài tiên liệu của thế giới tự
thân; đồng thời khi lên tiến biện minh thì ngay nơi lời ấy của Prométhée đã là
sự xuyên tạc ý nghĩa của Khổ khi chuyển ý nghĩa nầy vào thế giới của luận chứng
nhân quả theo công lý của con người. Cũng như Prométhée, Nietzsche vừa mới tiếp
cận với đau thương của bi kịch Hy Lạp, trong nháy mắt Nietzsche đã đọc ý nghĩa đau
thương ấy với tiền kiến triết học. Tiền kiến phải nhận tự thân làm nền đã che mờ
âm hưởng thi ca gợi lên cuộc chiến ngay nơi những khuôn mặt khác nhau của Prométhée,
Zeus, Mệnh... Nietzsche cũng không biết đến một Mệnh kỳ lạ làm cho nàng trinh nữ Io phải khổ, một nỗi khổ không khác với
nỗi khổ của Prométhée. Và cũng vì thế Mệnh của Nietzsche chỉ loay hoay trong vòng
tự thân, trong khung tư tưởng triết học truyền thống, một khung mà Nietzsche
mong phải phá bỏ: Mệnh đó chỉ được hiểu là vòng quay vô nghĩa của thời gian, biểu
hiện sự bền vững của nguyên lý đồng nhất nơi ý muốn ta muốn ta mãi là ta. Thất
thế, trong chương cuối cuốn Ecce homo, một bản văn tự thuật viết vào năm
1888, Nieztsche đã đồng hóa chính mình với Mệnh trong tựa đề: ‘Tại sao tôi là
một định mệnh’.19
Nơi bi kịch Hy lạp và đặc biệt trong bản văn Prométhée
bị trói, con người, trong cảm thức sâu xa làm người, như bị trói chặt bởi nền
công lý dựa trên phán đoán của trí năng con người, công lý của thước đo Mẹ
Gaia, để rồi phải chịu khổ đau để bước vào một chân trời xa lạ khác..., thảm kịch
kẻ vô tội phải chịu khổ như thế thì đúng là một trò đùa tai ác, xét theo lối cảm
nhận của bờ bên nầy. Nhưng, tư tưởng bi kịch của Eschyle không nhằm mô tả tình
trạng tai ác đó, cũng không chỉ tiên liệu khả năng con người có thể phản kháng điên
cuồng trong vòng vi tự thân. Tư tưởng ấy, kỳ thực, chỉ diễn tả bi kịch làm người
như một sự thách đố, thách đố con người đi vào cuộc chiến vượt qua tự thân.
Bước nhảy, bước vượt qua đó liên kết
Khổ của Prométhée với Khổ của nàng Io, người trinh nữ được Zeus sủng ái.
Không vì bị ghét hay được thương theo một cảm nhận, một lối phán đoán giá trị nào
từ phía công lý nhân quả của con người, nhưng con người tại thế Khổ vì làm
người trong chân tiùnh của mình.
Người trinh nữ Io xuất hiện
bất ngờ, bên ngoài vòng oan nghiệt của Prométhée; nàng cưu mang một hình ảnh của
nhân tính bên cạnh hình ảnh Prométhée; nàng đau khổ không kém Prométhée, nhưng
không vương mắc gì với tội va ïnào, trái lại là vì được thương yêu bởi Thần Thánh:
Io : “Những giấc mộng đêm đêm không ngừng viếng phòng trinh nữ của tôi,
thì thầm bên tai: ‘ Hỡi thanh nữ có duyên may, tại sao mãi giữ mình trinh
khiết, khi em có thể ước mơ một cuộc phối ngẫu đầy vinh quang? Vì Zeus rạo rực ước
muốn ngươi và muống đồng sàng với ngươi. Ngươi đừng nên cự tuyệt tình yêu của
Zeus, nhưng hãy chạy ngay đến đồng cỏ xanh tươi Lerne, đến đàn vật và chuồng thú
của cha ngươi, để xoa dịu con mắt say đắm của Zeus” (v. 647-654)
Io đã tâm sự với cha là Inachos về các giấc mộng của mình; và qua các sấm ngôn của Loxias,
Inachos thoáng nhận ra số phận của Io, hình ảnh ‘con người được
Zeus đến kết duyên’:
“ Io - .... Inachos nhận được một câu trả lời rõ ràng
buộc ông phải tức khác đuổi tôi ra khỏi nhà khỏi xứ và lang thang tận chân trời.
....Còn tôi bị ruồi trâu cắn xé, bị bàn tay thần thánh
quất roi, chạy từ xứ nầy qua xứ khác” (v.663-666, 681-682),
Trong bản văn Prométhée bị trói của Eschyle, song song với các mối tương quan
khác nhau giữa Prométhée với Zeus ta có những Zeus khác nhau:
- có
Zeus là sản phẩm của bàn tay Prométhée: một hình tượng Zeus được tôn vinh khi
Cronos (= thời tính gắn liền với con người) bị hạ bệ.
- có
Zeus với quyền năng và sức mạnh đẩy Prométhée ra khỏi quê hương ổn định của tự
thân, đưa Prométhée vào Khổ là khát khao chân lý mà không một cái gì trong tầm
tay con người với đến được để làm điểm tựa.
- Cũng
Zeus ấy bất ngờ đến với con người trinh nữ ngoan ngùy vô tội Io trong giấy
mơ, bên ngoài ánh sáng ban ngày của sự thật con người với lời lẽ ngọt ngào yêu
thương, không tơ vương oán thù, kết án hay trừng phạt.
- Và
một Zeus không nêu danh, nhưng âm hưởng qua Mệnh mà ngay cả Zeus xuất lộ như lời
từ chối mọi tự thân cũng sẽ rút lui, Một X ‘không thể gọi tên hay chưa có tên
trong tầm lắng nghe của con người’. Có thể nói là một Zeus ‘mà thời chúng ta
chưa từng nghĩ đến’: Prométhée tiên tri báo cho trinh nữ Io rằng Kẻ Không
Tên ấy sẽ là hoa trái của sự nối kết giữa mối tình Zeus và Io, và sẽ hạ
bệ bất cứ khuôn mặt nào khác của Zeus đang xét xử Prométhée và làm khổ chàng.
Chỉ trừ có một Zeus sản phẩm của
con người trong thế giới của tự thân vui biết là không liên quan đến Khổ làm nền
cho bi kịch Hy lạp, ngoài ra, chiếc giường nối kết Zeus qua lối xuất hiện nào với
con người cũng đem lại hơi thở cho nhân tính qua cảm thức Khổ.
Khổ mà Prométhée và Io đều
cảm nhận là phải lìa nhà mình, xứ mình, là phải diệt tự thân, là hụt chân trước
hố thẳm trong nỗi khát khao Kẻ Khác để thể hiện tương quan làm nên ý nghĩa nhân
tính. Khổ bấy giờ là tương quan làm nên chân tính của con người tại thế, tương
quan được sống nơi cảm thức thiếu vắng Kẻ Khác.
Khổ lại càng gian nan vì vùng đất
hứa, và bến bờ chân lý cho con người tại thế không phải là một chỗ nào, một thời
nào của thế giới tự thân, nhưng ở ngay trong cuộc chiến đấu nầy và trong sinh lực
Khổ nầy. Eschyle cống hiến cho chúng ta hình ảnh con người tại thế như là hình ảnh
một Prométhée, con người không chết trong tư thế liên quan với khổ đau: đây
là hình ảnh của thời tính căn nguyên hay thân phận tại thế của nhân tính, một
thân phận ‘bị trói’ với hai âm hưởng không thể rời nhau , - vừa bị trói vào nghiệp quên lãng của tự thân,
- vừa bị trói với tiếng gọi của chân tính. Con người không chết như
một lời thi ca nhắc nhở rằng dấu tích làm người gắn liền với Khổ là dấu tích không
thể xóa được trong bất cứ nỗ lực nào về phía tự thân. Nói cách khác, ngày nào còn
con người tại thế thì Khổ là chân tính của con người. Và đó là lời tiên tri, một
lời nói lạc điệu một Prométhée tâm sự với
nàng Io:
“Io – Sống có ích gì cho tôi? Tại sao tôi không sớm gieo mình từ mỏm đá
gian truân nầy để thân nghiền nát dưới đất hầu thoát khỏi mọi khổ đau? Thà chết
một lần cho xong còn hơn là khổ ngày ngày suốt cả cuộc đời.
Prométhée – Ngươi khó mà chịu đựng nổi những thử thách của ta, vốn
mang nghiệp là không chết, vì chết thì hẳn sẽ giải thoát ta khỏi khổ. Nhưng trước
mắt ta không thấy khổ đau thử thách của ta chấm dứt được, ngày nào Zeus chưa bị
truất ngôi” (v. 747- 756)
Bi kịch Hy lạp không đề cao một mẫu
mực đạo đức hay đánh phá những phép tắc xã hội đang chi phối sinh hoạt của Thành
Nhã Điển, nhưng cảnh giác rằng mọi lối an trụ vào bất cứ cái gì trong tầm tay của
con người đều là thái độ đào ngũ trong cuộc chiến làm người. Cuộc vật lộn đầy
bi thương giữa một Prométhée bị trói với nghiệp tự thân và một Prométhée trong
những cuộc đụng trán với những khôn mặt khác nhau của Zeus là nghĩa của nhân
tính.
Cuộc chiến đó luôn hàm ngụ lời chất
vấn trường kỳ: ‘tự thân có phải là nền của nhân tính hay không?’
-
Khổ, ý thức lầm lỗi và mong được cứu thoát
Trên bình diện tâm lý xã hội, người
công dân Nhã Điễn và thế kỷ thứ V trước công nguyên như vừa là một tác năng
mang trách nhiệm về các quyết định và hành vi của mình, nhưng như vừa thấy cá
nhân mình không là gì hết nếu bị tách ra khỏi các mối tương giao gia đình, cộng
đồng và tôn giáo.
Các tác giả cuốn “Huyền thoại và
bi kịch Hy lạp cổ đại” nhận định về tâm tư của con người trong bối cảnh chông
chênh ấy như sau:
“Trong Thành Nhã Điển vào
thế kỷ thứ V, cá nhân đã tự xác định mình như một chủ thể luật pháp; chủ định của
tác năng được nhìn nhận là một yếu tố nền tảng về trách nhiệm; qua việc tham
gia vào một sinh hoạt chính trị mà các quyết định được thảo luận trước một cách
công khai, được thực hiện một cách tích cực và có tính dân sự, mỗi người công dân
bắt đầu ý thức về chính mình như một tác năng có trách nhiệm để tiến hành các công
việc, một cách nào đó người ấy làm chủ lấy công việc định hướng dòng biến chuyển
bất trắc của các biến cố, nhờ phán đoán, trí thông minh của mình. Nhưng cá nhân
và cuộc sống nội tâm không có được một sự kiên định và tự lập để tạo cho chủ thể
thành một trung tâm quyết định chi phối trên hành vi của mình. Cá nhân mà bị cắt
đứt với những căn rễ gia đình, cộng đồng, tôn giáo thì không là gì cả; không phải
người ấy cô đơn mà không còn hiện hữu nữa.”20
Và cũng trong khuôn khổ tâm lý xã
hội các tác giả sách nầy đã đặc biệt nói đến cuộc chạm trán giữa ý thức tội lỗi
và trách nhiệm của cá nhân trên bình diện luật pháp của người công dân:
“Ý thức phạm tội nơi tư tưởng bi kịch tạo nên một
cuộc tranh chấp không ngừng giữa một bên là quan niệm tôn giáo xưa về lỗi lầm,
một vết tích ô uế kết buộc cho toàn một giòng tộc, truyền từ thế hệ nầy đến thế
hệ kia không miễn trừ ai dưới hình thức một hội chứng thác loạn trời gửi đến, và
bên kia là quan niệm mới được luật pháp áp dụng, cho rằng người phạm lỗi được
thiết định như một cá nhân không bị cưởng
bức nhưng đã tự quyết định phạm tội.”21
Những nhận xét tâm lý xã hội trên đây
là những tài liệu quí giá về mặt kiến thức giúp ta hiểu rõ hơn bối cảnh nơi tư
tưởng bi kịch xuất hiện trong lịch sử nhân loại. Nhưng cũng lặp lại lời của các
tác giả tập nghiên cứu nầy là tư tưởng bi kịch không mô tả một tâm tư hay thái độ
nào đó của con người vào một giai đoạn lịch sử, nhưng là đưa con người thành vấn
đề cho chính mình. Lối đặt vấn đề con người như thế thấy rõ nơi bản văn Prométhée
bị trói.
Vếùt dơ hay tội ác nơi hình ảnh
Prométhée tức là con người trong thân phận tự thân đã mang vào mình như một
nghiệp chướng không phải dành cho dòng tộc nào trong những dòng tộc khác nhau,
nhưng là cho toàn nhân loại. Sự xung đột trong tư tưởng bi kịch cũng không hề
nhằm mô tả những xung đột tâm lý giữa những hình thái sinh hoạt và diễn biến xã
hội xưa hay nay, tôn giáo hay pháp lý dân sự, cá nhân hay cộng đồng..., nhưng là
sự xung đột gắn liền với chân tính con người tại thế.
- Ý thức về lầm lỗi và tự thân
Ngay từ những lời nói đầu trong phần
dẫn nhập của bản bi kịch, Khổ và ý thức về lỗi lầm căn nguyên (hoặc có thể nói
như là tội vì đã làm người) được nêu lên như trực giác nền tảng liên
quan đến nhân tính.
Nhưng tiếp đó, những phân trần của
Prométhée về công trạng trộm lửa từ Trời trao cho con người để con người tự làm
nên mình lại không cho chúng ta thấy dấu vết về ý thức lỗi lầm (trong lời biện
minh củamình!). Nói cách khác ý thức về lỗi lầm như phải tiên liệu có sự gặp gỡ
một cảnh vực bên ngoài thế giới của tự thân (qua Thần Quyền Năng là sứ giả của
Zeus) để nhận ra giới hạn của mình và sự hiện diện của kẻ khác.
“ Thần Quyền Năng – Vì tài năng riêng của ngươi (Hèphaistos),
sức mạnh của lửa, nó (Prométhée) đã trộm và trao cho những kẻ hay chết. Lỗi lầm
ấy nó phải trả cho Trời và phải biết qui phục uy quyền của Zeus và không được ưu
đãi con người như thế” (v. 7-9)
Prométhée bị đưa ra nơi xa con người để nghe được
lời buộc tội lỗi của mình; nói cách khác thực tại mà Prométhée vốn đã ở trong ấy
đã là một lỗi lầm đối với nhân tính.
Thực tại được xem là mê lầm được
diễn tả như thế nào?
Trước hết hãy nghe lời trình bày của
Prométhée:
Prométhée (nói với ca đoàn) “...Các ngươi nên lắng nghe những nỗi khốn
cùng của kẻ hay chết và xem họ trước đây ấu trĩ như thế nào, trước tiên ta đã tạo
ra những kẻ có lý trí và khả năng suy xét” (v.443-444)
Lý trí suy xét ấy giúp hiểu biết đo
lường sự vật, và cũng là ánh sáng dọi đường cho công lý con người.22 Eschyle đã dùng những hình ảnh thi ca để nêu lên
một số ý niệm căn cơ nhất về lý trí gắn liền với nền công lý nầy:
- Prométhée tự giới thiệu là con của
Thémis hoặc Gaia: “Mẹ tôi, Thémis hoặc Gaia, cũng là một vị nhưng tên khác nhau, đã
nhiều lần từng đoán trước tương lai sẽ xảy ra như thế nào, và không cần phải dùng
sức hung hăng, nhưng chỉ cần dùng mưu mà kẻ thắng sẽ chiếm vương quốc”
(v.209-213). Thực tại của con người hiểu biết là con của Gaia, và trong lý
lịch nầy,23 Cronos (Thời Gian) phải bị hạ bệ để ‘ý
niệm người’ không hề biết đến sự chết được khai sinh, Zeus (Thần Thánh)
không còn là Kẻ Khác trong tương quan đối với con người, nhưng là một ý niệm tối
cao con người tôn vinh đưa lên ngôi, và Thémis là Công Lý nay được xem là
đồng nghĩa với Gaia. Con người hiểu biết đã biến mình thành Tề Thiên (= Kẻ
ngang với Trời) trong một vương quốc chỉ có mình và những vật dụng thuộc vế
mình.
Con người mới, con người của hiểu
biết, đã hạ bệ Cronos (= thời gian qua đi:
le temps qui passe) bằng cách khai sinh thời gian lịch sử của nhân
loại văn minh nghĩa là có các tài năng24 chế ngự thiên nhiên, thời gian của con người tự
hoàn thành liên tục không biết đến sự chết (= đưa một sinh vật ấu trĩ đến một
sinh vật trưởng thành nghĩa là vận dụng được toàn bộ lý trí). 25
Con người mới ấy là con của Gaia,
và Gaia cũng có nghĩa là Thémis: công lý của con người hiểu biết gắn liền với
thước đo sự vật, của công lý bình đẳng, có vay có trả theo nguyên lý nhân quả mà
động lực là trả thù khi có bất công.
Prométhée: ...Ngay khi được ngồi lên ngôi của cha mình, (Zeus) phân
chia các ân huệ cho những thần thánh khác nhau và chia giai bậc trong nước ông
trị vì. Nhưng ông không đoái hoài gì đến những người hay chết khốn khổ; ông ta
còn muốn xóa sạch giống nầy để làm ra một giống khác. Và không ai ngoài tôi dám
chống lại. Chỉ có tôi bạo gan ngăn cản việc những kẻ hay chết bị bỏ rơi ấy đi vào
Địa ngục. Và đó là lý do tôi phải cúi lưng chịu đựng những khổ đau đáng thương
nầy. Vì thương người, mà tôi bị xét xử tàn nhẩn, và đó là lối đối xử bất công
người ta buộc tôi phải chịu, một cảnh tượng nhục nhằn đối với Zeus.” (v.
247-258)
....
- Ca trưởng- Nhưng có thể ngươi
đã còn quá tốt với con người hơn thế nữa26 chăng?
- Prométhée – Vâng, ta đã làm
mất đi nỗi hãi hùng khi con người hay chết đối diện với cái chết.
- Ca trưởng – Ngươi đã tìm đâu
ra phương thuốc chữa được bịnh đó?
- Prométhée – Ta đưa vào họ
những ước mơ ảo tưởng.
- Ca trưởng – Đó hẳn là món
quà quí ngươi đã đem lại cho con người hay chết.
- Prométhée: Ta còn làm hơn thế nữa: ta còn cho họ lửa.
- Ca trưởng: Và nay lửa cháy sáng đã ở trong bàn tay con người
hay chết sao?
- Prométhée: Vâng, và họ sẽ nhờ lửa nầy học được nhiều tài nghệ.
- Ca trưởng: Và chính vì những tội nặng nề đó mà Zeus....
- Prométhée: Mà Zeus đối tôi xử tàn tệ, không nương tay với những
nỗi khổ của tôi.
- Ca trưởng: Có phương cách gì chấm dứt tình trạng đau đớn ấy không?
- Prométhée: Không có cách gì chấm dứt được trừ quyết định chướng
khí bất chừng của ông ta. (v.
247-258)
Trước khi ‘ngộ’ (= tiếp cận với âm vọng từ bên kia bờ) để cảm nhận
Khổ và ngay cả khi vì Khổ mà lên tiếng tự biện minh, con người không lúc nào
thoát ra được mạng lưới của tự thân: tự thân là một hiện tại trường kỳ che dấu
Zeus và Cronos, là sự lãng quên ý nghĩa nhân tính khi chỉ biết dùng thước đo Đất
với nền công lý liên quan để đo nhân tính.
Thật thế, ngay từ đầu bản bi kịch, sức mạnh của một Zeus ẩn mặt mà Prométhée
không hề tiếp cận và không thể tiếp cận, đến với Prométhée và lôi Prométhée ra
khỏi tự thân. Tự thân bị đóng đinh để Prométhée Khổ, nghĩa là tiếp nhận một
sinh lực, đi vào một chiều kích, kết dệt nên những tương quan khác với những tương
quan của trí năng hiểu biết của con người và nền công lý xây dựng trên nền tảng
liên hệ. Tự thân và Khổ là hai khả tính căn cơ của nhân tính.
Nhưng âm hưởng lời bên kia đến với Prométhée làm cho Prométhée khổ để cảm ứng
được chiều kích hoàn toàn khác lạ nơi nhân tính, ngay khi được tiếp nhận, thì đã
hóa kiếp làm thành ‘lời con người gọi tên sự vật’. Khổ là ấn tích nối kết lời
người và âm hưởng lời bên kia bờ, là sự nối kết trong cảm thức thiếu vắng , xa
cách, thì tức khắc bị ánh sáng của hiểu biết sự vật che mờ ý nghĩa: Prométhée đã
sớm đưa khổ ấy vào thế giới tự thân để biện minh và làm lạc hướng ý nghĩa nguyên
sơ của Khổ.
- Khổ mất đi ý nghĩa thi ca và bi kịch
trong khuôn khổ thắc mắc về vấn đề nhân tính, để chỉ còn được hiểu là sự đền bù
một tội ác, một vi phạm công lý, một sự trả thù cần thiết để tái lập sự cân bằng
của công lý bình đẳng, công lý có vay có trả theo nguyên tắc nhân quả nơi khả năng
hiểu biết sự vật. Mệnh như là Lệnh, là uy lực từ chân lý của nhân tính bất chấp
những ước muốn , toan tính ‘tự làm lại’ của tự thân, nay chỉ được hiểu là vận
may vận rủi dựa trên lối đánh giá của lý trí con người.
- Khổ là dấu tích của Mệnh, là sự
kiên cường của chân tính luôn buộc chặt với con người; nhưng tự thân cũng là khả
tính thách thức chân tính ấy, ngày nào con người còn kẻ hay chết. Mỗi lần Khổ dấy
lên là mỗi lần tự thân ‘làm lại’27 một
hình ảnh con người theo ý của mình; và mỗi lần như thế tưởng chừng như ‘khổ’ sẽ
không còn nữa. Tài khi nào cũng muốn xóa Mệnh, nhưng lại không thể xóa được Mệnh
[v. 514, Prométhée : ‘Tecnh (=Tài) yếu kém vô cùng so với
Anagkhz (=Mệnh)’]
- Bi kịch của cuộc chiến giữa Khổ và
tự thân là ý nghĩa của thực trạng con người: một thực trạng căn nguyên có thể
khổ để nhớ, có thể vui để quên, có thể có hy vọng để khát mong một chân tính khác
với tự thân, nhưng có thể ‘phạm tội ác’ làm lại một nhân tính không thật theo ý
mình, với tài năng ‘đo đất’ mình có trong tay. Nói theo lời của Eschyle qua miệng
của Thần Quyền Năng trong bản bi kịch: có một Prométhée tiên tri của con
ngưuời hiểu biết (homo sapiens), tiên tri mộât nhân loại tiến bộ, văn
minh nhiều tài năng, nhưng có một Prométhée khổ đau tiên tri về con người gặp
nguy cơ của nghiệp tự thân đang tìm cách thoát khỏi mạng lưới hiểu biết để lắng
nghe âm hưởng nhắc nhở chân tính con người.28
Đến đây, ta thấy bi kịch Hy lạp cảnh
giác tâm thức người văn minh thành Nhã Điển đương thời về nguy cơ đánh mất khả
năng tư tưởng, nghĩa là khả năng thắc mắc về nhân tính của mình khi dừng lại trên
nền công lý theo thước đo của lý trí con người. Qua lời biện minh hùng hồn của
Prométhée về con người hiểu biết, con người mang lại ánh sáng văn minh và trật
tự cho cuộc sống xã hội, người ta thoáng nhận ra một Prométhée bị mắc cạn trong
một trạng huống mâu thuẫn trùng trùng điệp điệp:
- Zeus do bàn tay con người làm ra đã
đoạt ngôi Cronos, làm cho con người thành thần thánh, nghĩa là chuyển con người
bằng xương bằng thịt (con người hay chết) thành những ý niệm trường cữu bên ngoài
thời gian, thành một giống người không sợ chết: nhưng Zeus ấy tại sao lại chống lại việc làm của một Prométhée
là chủ làm nên mình?
- Nơi vùng đất trời của ‘con người
hiểu biết, con người không sợ chết, con người
nắm ánh sáng của lửa trong tay để làm nên mọi sự vật theo chủ định của
mình, con người được đo lường, xét đoán về giá trị dựa trên công lý của nguyên
tắc nhân quả như bất cứ một đồ vật nào’, thì khổ đau làm sao hiện diện để phải
lên tiếng biện minh?
- Zeus (mà Prométhée hiểu biết đưa
lên ngôi) là nguyên nhân nền tảng điều hành mọi sự một cách công bằng và hữu lý
tại sao bổng biến thành Zeus là căn nguyên những gì là vô tâm, vô trí ngăn cản
lợi ích tiến bộ của con người?
Trạng huống mâu thuẫn nơi phản ứng của Prométhée diễn tả cuộc chiến bên
trong của thân phận con người: một Prométhée như buộc phải mang nghiệp lạc lầm
nhưng đồng thời với nghiệp lạc lầm ấy là một nghiệp mang vết thương đau ấn tích
của nỗi khát khao chân tính của nhân tính. Bi kịch không phải là khổ đau hay nỗi
phẩn uất trong cuộc tranh chấp giả tưởng giữa một Zeus ‘theo lối nghĩ của Prométhée’
và một Prométhée không những vô tội mà còn có công trong nỗ lực tự làm nên
chính mình. Bi kịch chỉ có ý nghĩa khi Khổ ụp đến trên thực tại con người và làm
cho toàn bộ thực tại ấy cảm nhận khổ; chuyển mỗi sinh hoạt con người thành một
bãi chiến trường giữa tự thân và chân tính. Đằng sau những lối chống chế một trăm
ngàn cách khác nhau, mâu thuẩn với nhau, với những lối nói khác nhau của ‘những
Prométhée’ qua những nền văn hóa, qua những trường phái tư tưởng dị biệt, qua
những thời kỳ thượng cổ, trung cổ hay hiện đại, với cách diễn tả bằng thơ, bằng
toán, bằng âm nhạc hay hình ảnh của con mắt..., thì theo tư tưởng bi kịch các lời
nói ấy đều đã được nối mạch với nguồn Khổ ẩn kín là dấu ấn của nhân tính.
Prométhée đã nói đến công lao, hình phạt, trả thù... theo khả năng gọi tên
sự vật, theo lý trí tiếp cận sự vật, lý trí của nền công lý bình đẳng và dựa trên
nguyên tắc nhân quả. Nhưng trước lời tra vấn về chân lý của nhân tính, con người
không thể làm cách gì khác hơn là vận dụng tài trí sẵn có trong tay, tài trí ‘đo
đất’ để đo chính mình: hành động khai nguyên đó khai sinh tự thân, là lỗi lầm căn
nguyên của thân phận làm người.
Ý thức lầm lỗi chỉ xuất hiện khi con người trong thực tại nối lại với nguồn
Khổ, khi lắng nghe được lời chất vấn về chính nền tảng chân lý của tự thân.
-
Khổ và giải thoát
Nếu Khổ (trong lời biện minh của Prométhée tiếp sau phần dẫn nhập của bản
kịch) như cảm thức uyên nguyên về vấn
đề nhân tính đã vì nghiệp tự thân của con người mà bị xuyên tạc ý nghĩa để chỉ được
hiểu là một giá trị tiêu cực, một sự trả thù, một hình phạt trong khuôn khổ của
công lý có vay có trả dựa trên phán đoán, đo lường để hiểu biết sự vật, thì cũng
Khổ uyên nguyên ấy sẽ được diễn tả ở phần sau (trong cuộc đối thoại giữa
Prométhée và trinh nữ Io) một cách kỳ lạ vượt lên trên mọi tương quan khả dĩ
của trí năng hiểu biết.
Khổ của nàng trinh nữ Io phải chịu trong thân phận làm người không còn
được xem là do lỗi phạm gì nữa từ phía con người. Có thể nói nàng Io được
Khổ vì Zeus yêu thương nàng và đến đồng sàng với nàng đến độ làm cho Héra là
vợ Zeus phải ghen tương. Mối tương quan với Zeus, với thần thánh trong cảm thức
yêu thương vượt ra mọi suy tính chờ đợi. Ca đoàn trong bản kịch lên tiếng về khổ
đau và thân phận con người qua nàng Io như sau:
“ Ca đoàn – Khôn ngoan, vâng
khôn ngoan, là kẻ biết suy nghĩ và nói lên châm ngôn nầy: tốt nhất nên kết thân
với người đồng hàng và đừng đèo bồng đi lại với những hạng người giàu sang quyền
quí.
Hởi các Tỳ nữ bất tử của Mệnh,
xin đừng bao giờ bắt gặp tôi trong giường Zeus! Đừng gán tôi làm vợ cho người cõi
Trời! Tôi run bắn lên khi thấy Io, người trinh nữ ngại yêu thương, kiệt lực vì
chạy trốn cuộc đuổi bắt khốn khổ của Hera.
Đối với tôi, một cuộc hôn nhân
với người đồng hàng không có gì đáng sợ. Nhưng xin tình yêu của một vị thần cao
cả đừng dừng lại trên tôi. Vì đó đúng là một cuộc chiến không chịu nổi, vượt quá
nguồn sinh lực của tôi. Rồi ra tôi sẽ thế nào; vì tôi làm sao thoát được ý muốn
của Zeus” v. 887 - 900
Khổ đau làm người không vì một lỗi phạm nào với những tơ vương của lối đo
phán đoán nhân quả, trả vay của công lý dựa trên lý trí. Khổ đau ở đây là thân
phận bị buộc trói, bị kéo lên để nối kết tương quan với Zeus trong yêu thương.
Song song với lối trình bày nỗi khổ làm người trong tương giao kỳ lạ với
Zeus, Eschyle dùng miệng Prométhée, một Prométhée như ở bên ngoài vòng vi tự thân
để nói lời tiên tri, loan báo một giao ước
mới. Khổ đau do tương quan yêu thương giữa Zeus và Io sẽ đem lại hoa trái giải
phóng khỏi ý niệm uy quyền và xử phạt còn tơ vương với lối cân đo của con người.
Người con của Zeus và nàng Io sẽ hạ bệ Zeus, Chủ của Thần Quyền Năng và
Xử phạt.
Io - Có thể nào Zeus bị mất quyền vào một ngày
nào đó?
Prométhée – Ta nghĩ rằng hẳn
ngươi sẽ vui sướng khi chứng kiến biến cố nầy
Io – Hẳn nhiên rồi, sau bao
khổ đau mà Zeus bất ta phải chịu.
Prométhée – Sự việc sẽ như
vậy, ngươi cứ chắc như thế.
Io – Nhưng vương quyền ấy do
ai tước bỏ?
Prométhée –Do tự chính ông
ta, vì những chướng khí bất chừng nhà ấy.
Io – Bằng cách nào? Giải
thích đi, nếu ngươi làm nổi đều đó.
Prométhée – Ông ta sẽ kết ước
một hôn nhân mà ngày nào đó Ông ta sẽ ân hận.
Io – Với một nữ thần hay với
nữ phàm nhân? Nói thử đi nếu còn nói được.
Prométhée – Bất hạn là ai?
Ta không có phép nói.
Io – Có phải do người hôn
thê ấy mà ông ta bị truất ngôi?
Prométhée – Nàng sẽ sinh một
người con trai uy dũng hơn cha nó.
Io - Và Ông ta không cách gì tránh tai ách nầy
sao?
Prométhée – Không cách gì
khác, trừ phi ta thoát ra được xích xiềng nầy...
Io – Ai mà tháo gỡ được xiềng
xích ấy cho ngươi ngoài ý của Zeus?
Prométhée – Một trong những
hậu duệ của ngươi: Mệnh muốn như thế.
...”
Khổ không những không tơ vương tội lỗi, oán thù nhưng là dấu chỉ của tình yêu
thương điên dại đến độ nâng kẻ hay chết lên làm vợ của Trời. Hình ảnh Trời
trong uy lực cấm đoán, như oán như thù con người sẽ bị lật nhào để đầu hàng người
con của tình yêu giữa Trời với người. Nói cách khác bên trên hình ảnh đối nghịch
nhìn từ tự thân để diễn tả cuộc gặp gỡ đất-trời nơi con người, nay là Khổ như sự
tương phùng giữa hai kẻ khác nhau. Sự nối kết lạ lùng đó đưa con người
trong thân phận ‘hay chết’ đồng sàng với Thần Thánh, và tự nó là chung cuộc. Khổ
uyên nguyên ấy là sự sống, là ý nghĩa toàn vẹn của nhân tính, là chân tính con
người tại thế.
Cuộc chiến về ý nghĩa về Khổ giữa hai cách hiểu: Một bên là ý nghĩa của một
thực tại trước mắt được cảm nhận và được đánh giá bởi con người hiểu biết Prométhée,
và Khổ chỉ được hiểu là hậu quả của một sự vi phạm công lý. Một bên là ý nghĩa
thi ca gợi lên Khổ là sự gặp gỡ bất ngờ, là mối tương quan khó khăn, kỳ lạ làm
nên sức sống của nhân tính, một nhân tính vượt qua tự thân. Cảm nhận cuộc chiến
giữa hai ý nghĩa về Khổ nầy nơi con người là tư tưởng bi kịch, làm người chiến
sĩ để luôn ở trong cuộc chiến nầy, đó là
hoàn thành nhân tính.
Hoàn thành nhân tính trong cuộc chiến giữa tự thân và Khổ có tiên liệu một
tổng hợp nào, và một tổng hợp chung cuộc như cuộc giải phóng tận căn hay không?
Qua câu trả lời của Prométhée cho Io về ý nghĩa Khổ như phải đóng đinh
và treo tự thân lên giữa trời mà Prométhée đang gánh chịu, cũng Khổ đó nhưng được
cảm nhận như cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa chàng và Zeus lạ mặt nơi xứ lạ (ở phần nhập
đề) hoặc như mối tình trong giấc mộng giữa Zeus và nàng trinh nữ Io, thì
nhân tính trong chân tính của mình là Khổ. Mọi tổng hợp là làm lại nhân tính, là
đã dừng lại chân trời của tự thân.
Thế nhưng, một bất ngờ, một bước nhảy ra khỏi cả khuôn khổ tư tưởng bi kịch
Hy lạp.29
Prométhée – Không cách
gì khác, trừ phi ta thoát ra được xích
xiềng nầy...
Io – Ai mà tháo gỡ được xiềng
xích ấy cho ngươi ngoài ý của Zeus?
Prométhée – Một trong những
hậu duệ của ngươi: Mệnh muốn như thế... v. 757- 772
Sấm ngôn nầy làm cho nàng Io sững sờ:
Io – Sấm ngôn ấy không cách
gì hiểu nỗi?
Prométhée- Ngươi cũng đừng
tìm cách để biết Khổ của ngươi cho đến kỳ cùng V. 775-776
Cuộc chiến tối hậu và Khổ tối hậu để vượt qua tự thân, mất luôn tơ vương về
xung đột và dấu tích tội căn nguyên, đó là bước nhảy vọt vào cảnh giới khác hoàn
toàn xa lạ vượt lên thế giới nhân quả, trước sau, bên trên bên dưới, trong ngoài
của tự thân: tương quan kỳ lạ đó là thế giới vượt lên trên thước đo sự vật, là âm
hưởng của chữ ai vượt lên bất cứ kiến thức nào về một cái gì, dù
cái gì đó là Zeus, và đó là thành quả của mối tình giữa Zeus và nàng Io.
_______________
Chú Thích
1 Xem G. GUSDORF, Mythe et métaphysique, Flammarion, Paris,
1984, p. 43: “Les mythes sont
chiffres d’humanité”
2Jean Pierre VERNANT et Pierre VIDAL-NAQUET, Mythe et tragédie en Grèce
ancienne, Édit. La découverte, Paris, 1989, p.” 7, 14
3 Sđd pp. 21-22
4 Sđd
5 Sđd p. 31
6 Sđd p. 31
7 Xem PLATON, Protagoras, 321 - 322
8 Ngươi đây là Thần Thánh
9 Fr. NIETZSCHE, La naissance de la tragédie, No. 9
10 Geneviève DROZ, Les mythes platoniciens, Seuil, 1992 , p. 31
11 Xem lối trình bày của M. HEIDEGGER về ý chí quyền lực của
Nietzsche: cf. Le mot de Nietzsche
“Dieu est mort, in Chemins qui ne mènent nulle part, p. 283: “La
volonté se veut elle –même. Elle se surpasse elle –même. De la sorte, la volonté
en tant que volonté se veut au-delà d’elle-même, et doit ainsi en même temps se
porter au-dessus et en avant elle-même”
12 cf v 209-210
13 cf. v 459 461 “J’inventai aussi pour eux la plus belle de toutes les
sciences, celle du nombre...”
14 cf v 507 “Un mot t’apprendra
tout à la fois: tous les arts des mortels viennent de Prométhée”
15 cf v 1-2, Pouvoir: Nous voici arrivés sur le sol d’une contrée
lointaine, au pays des Scythes, en un désert sans humains.
16 cf v 518: Prométhée - Il (Zeus) ne peut échapper à sa destinée.
17 cf v 1-2
18 cf v 55-56: Pouvoir – Passe –les-lui au tour du bras et frappe
de toutes forces avec le marteau et cloue – le aux rochers. v 67-68: Maintenant enfonce- lui
hardiment la dent de ce coin d’acier à travers la poitrine, et frappe ferme.
19 F. NIETZSCHE, Ecce homo, tựa đề chương cuối “pourquoi je suis
un destin”
20 Jean-Pierre VERNANT, Pierre VIDAL – NAQUET, Mythe et tragédie en Grèce
ancienne, Éd. La Découverte, Paris, 1989, p. 73
21 Sđd, p.72
22 Không phải đợi đến các tác phẩm của Platon sau nầy, chúng ta mới khám phá
ra trào lưu được gọi là của những người hiểu biết. Cũng như Socrate sau nầy, Eschyle đã cận kề với trào lưu
ấy, và cả hai vị đã nhận ra bi kịch của thân phận làm người gắn liền với tự thân
mà con người hiểu biết (homo sapiens) là một chứng tá trong lịch sử.
23 Chúng ta sẽ gặp lại lý lịch mới của con người hiểu biết qua lối trình bày
tương tự của Sophocle trong bi kịch Oedipe Vua, khi Oedipe ăn nằm với
chíng Mẹ Jocaste của mình để tạo một thế hệ người mới, trong đó chỉ còn Oedipe
một mình bá chủ: vừa là con, vừa là chồng vừa là cha.
24 cf v 506: Prométhée.... tous les aetts des mortels viennent
de Prométhée
25 cf v. 443-443
26 Sau khi cứu giống người khỏi bị Zeus tiêu diệt, một Zeus do chính Prométhée
đưa lên ngôi
27 cf. xem chữ [v. 514, Prométhée : ‘Tecnh
(=Tài) yếu kém vô cùng so với Anagkhz (=Mệnh)’]
28 cf v 85-87 “Pouvoir:...C’est bien à tort que les
dieux t’appellent Prométhée; c’est toi-même qui as besoin d’un Prométhée pour
savoir comment tu te dégageras de ces noeuds savants.”
29 Thực vậy, cuộc chiến hứa hẹn sẽ hoàn thành nơi sự toàn thắng do thành quả
của mối tình Zeus và Io không
có dấu vết nào tương tự nơi các bản bi kịch
khác của Hy lạp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét