30/11/14

Eugène Mazenod - Một Cuộc Hành Trình



 

Eugène Mazenod



Chuyển qua Việt ngữ


 Nguyễn Đăng Trúc







MỘT CUỘC HÀNG TRÌNH ...I

(qua những trang nhật ký)


Chuyễn ngữ từ bản Pháp-văn trong Documentation OMI   N* 206     novembre 1995


Việc xuất bản các bút tích của Eugène de  Mazenod trong bộ « Ecrits obats » tiến hành tốt đẹp...Chúng tôi nghĩ rằng việc phổ biến một số các đoạn trích trong các tài liệu nầy, để chính Ngài kể lại hành trình của mình cho mọi người, là một điều hữu ích. Lần xuất bản đầu tiên nầy đưa chúng ta vào thời 1818, lúc sắp viết các điều khoản Hiến Pháp và Nội Quy của các Hiến-sĩ Provence và định chế hóa cuộc sống tu sĩ.


Michel Courvoisier, omi



Trừ trường hợp ngoại lệ, các bản văn được nêu lên đều trích từ bộ « Écrits oblats » (EO, số tập, rồi số trang), Roma 1977...16 tập do linh mục Yvon Beaudoin xuất bản.











DOCUMENTATION OMI là một cơ sở xuất bản không chính thức
của Tổng Quyền các Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm

C.P. 9061, 00100 ROMA-AURELIO , Italia










Một số niên kỷ




 

Eugène Mazenod


1.8.1782                   sinh tại Aix-en-Provence ( Pháp)
1791-1802             lưu đày tại : Nice, Turin, Venise, Naples, Palerme
24.10.1802           hồi hương về Provence
10.1808                     vào chủng việân Xuân-Bích tại Paris
21.12.1811           thụ phong linh mục tại Amiens
11.1812                     trở lại Aix-en-Provence
25.1.1816               những bước khởi đầu của các hiến-sĩ Provence




Nhật ký lưu đày tại Venise (1794-1797)
Tôi lưu trú trong một gia đình công giáo hết sức đạo đức ; và Cha Bartolo, người chăm lo cho cuộc sống của tôi đúng là một vị thánh sống... Tôi không biết lấy gì để cám ơn Chúa, Đấng tốt lành vô cùng đã nâng đỡ tôi như thế đúng vào tuổi đời khá tế nhị, một thời kỳ quyết định cho tôi! Với bàn tay khéo léo và ơn Thánh Thần, Đấng đã dùng Ngài làm khí cụ, cha Bartolo, người của Chúa, đã gieo vào lòng tôi những nền tảng tôn giáo và đạo hạnh  căn bản, nhờ đó mà lòng khoan dung của Chúa đã xây nên tòa nhà cuộc sống thiêng liêng của tôi. Cha thánh nầy đã dạy tôi biết khinh chê phù hoa thế gian để nếm được những sự thuộc về Chúa...

Tôi nhắc lại những việc nầy để cho thấy từ thủa bé thơ tôi đã lãnh nhận biết bao ân huệ của Chúa, và tôi phải khiêm tốn để nhận những thiếu sót khi dùng các ơn nầy. Đó là thời điểm quyết định ơn gọi bậc sống linh mục của tôi ; và có thể tôi sẽ đạt đến một mức đạo đức thánh thiện hơn, chắc hẳn như thế, nếu chúng tôi có thể cùng sống thêm một năm nữa ở Venise; biết đâu tôi sẽ đi theo vị linh hướng thánh thiện của tôi và người em của ngài, sau nầy cũng làm linh mục, vào trong dòng tu mà họ chọn và nhiệt tình can đảm tu đức cho đến chết.  

                                                                                                            (EO, 16, 41 và tiếp theo)



Ghi lại trong dịp tĩnh tâm (1814)
Lời thánh I-Nhã (suy niệm về Nước Chúa) rất hay và áp dụng tuyệt vời vào hoàn cảnh của chúng tôi. Cũng như bao nhiêu người khác, tôi đã được kêu gọi để đánh bại quân thù của vị Vua cao cả nầy và cũng là quân thù của tôi. Ngay từ khi mới sinh, vào lúc chịu phép rữa tội, tôi được nhập ngũ vào đội binh của Ngài ; nhưng vừa đến tuổi biết suy nghĩ, tôi đã bị kẻ thù dụ dỗ và nhảy vào hàng ngũ của nó. Tôi được nhắc nhở ngay là phải ý thức nghĩa vụ của mình ; nhưng những ngày tháng sống giữa kẻ nghịch thù, quen thói phản kháng, làm cho tôi ham thích độc lập ; mặc dầu sống ngay trong trại của Nhà Vua, ăn cùng bàn với Ngài, tôi lại thông tư tội lỗi với quân thù. Sự bất trung ấy sớm đưa tôi đến tình trạng đào ngũ công khai, và tôi lại bỏ quân kỳ của Thủ lãnh của tôi để chiến đấu trong hàng ngũ quân thù. Khỏi cần nói thì tôi rất sành lối nầy; đâu có thua gì những kẻ sành sỏi ; tôi biết đủ trò, trừ một trò mà, cám ơn Chúa, tôi thấy nhờm gớm ; ngay cả trò ghê tởm nầy, nếu Chúa đã không đoái nhìn tôi và gìn giữ tôi khỏi tai ách đó, thì e cuối cùng tôi cũng đã rơi vào. Vị Thủ lãnh đại độ nầy theo dõi tôi để cứu tôi ; Ngài chận bắt tôi trong một cuộc rong ruổi, vào lúc mà tôi ít nghĩ đến Ngài hơn cả ; và Ngài trói tôi lại bằng sợi dây yêu thương hơn là bằng công lý, để đưa tôi về binh trại của Ngài. Trước đây vì điên rồ mù quáng, tôi có lần đã trốùn bỏ Ngài ! Nhưng lần nầy là dứt khoát, vâng mãi mãi và dứt khoát !
(EO, 15, 99)

Tôi đã tìm hạnh phúc ngoài Chúa ;  và từ lâu tôi mang đến tại họa cho tôi. Trong quá khứ tôi đã từng quay mặt bỏ Chúa,  nhưng biết bao lần trái tim tan nát và thổn thức của tôi lại hướng về Ngài! Làm sao tôi quên được những hàng nước mắt cay đắng khi ngước nhìn Thánh Giá trong một ngày thứ sáu tuần thánh. Ôi ! những giót nước mắt trào ra từ tận đáy lòng, không gì ngăn chận nổi...
(EO, 15, 99)

Thư gửi mẹ, ngày 22 tháng sáu năm 1808

Trước đây con có nhờ chú con....cho mẹ hay những ý định của Thầy là Đấng mà tất cả chúng ta phải vâng phục, nếu không thì sẽ bị án phạt, để trả lời những chống đối mà mẹ có thể gây ra cho Ngài;  và để trình bày những lý do của con, đồng thời xin mẹ nói lên một lời thuận ý về một dự định chắc chắn do Chúa gửi đến ; vì dự định ấy đã trải qua nhiều thử thách, và đã được tất cả những vị có trách nhiệm về con thay mặt Chúa xét hạch ... Con chứng thực điều Chúa muốn nơi con, đó là con cần từ bỏ thế gian, là nơi không thể nào cứu rỗi được, vì quá sức vô đạo; đó là con cần tận tụy phục vụ Ngài đặc biệt hơn, nhằm củng cố đức tin nguội lạnh của những kẻ nghèo khó; nói tóm lại, đó là con cần sẳn sàng làm theo mọi điều Chúa có thể sai bảo vì vinh quang của Ngài và để cứu các linh hồn mà Ngài đã cứu chuộc bằng giá máu châu báu của Ngài....

Con nghĩ rằng mẹ không nỡ thấy tên con mãi mãi ghi vào vực sâu đầy nước mắt ấy. Cảnh phù hoa đó đã có thời vương vấn tâm hồn con và suýt làm con mất tất cả mọi ân huệ mà Chúa dành cho con...
(EO, 14, 63 tiếp theo)

Thư gửi mẹ, ngày 28 tháng hai năm 1809
Xin mẹ bình tâm suy nghĩ ...để lòng tràn đầy hân hoan trong ngày con sẽ vĩnh viễn dâng mình phục vụ Chúa. Chúng ta hãy nâng tâm hồn lên hướng về Chúa và nghĩ xem có hạnh phúc nào ví được với hạnh phúc tham dự vào sứ mạng thần thánh của Con Thiên Chúa... Thầy chí thánh gọi con đi theo Ngài để phục vụ Giáo Hội Ngài trong thời buổi mọi người đang bỏ bê Giáo Hội ấy, con nỡ lòng nào từ chối lời mời gọi của Ngài để sống lây lất khốn nạn ngoài quê hương chân thật của con ?...Mẹ thấy đó, càng ngày hàng ngũ theo Chúa càng thưa thớt, và Giáo Hội không còn biết phải phó thác con cái mình cho ai ; con làm sao có thể hèn nhát để không nhanh chân cứu giúp Mẹ Giáo Hội tốt lành đang lúc khốn đốn ! trong những ngày tháng đau buồn khi đức tin chỉ đâm nở những hoa tràn tàn úa, nhiệt tình mãnh liệt ấp ủ tận đáy lòng con không phải là một bằng chứng chắc chắn của thiên ý tối thượng hay sao ?
(EO, 14, 117...120)

Thư gửi mẹ, ngày 6 tháng tư  năm 1809

Mẹ nghĩ xem, Chúa Giêsu-Kitô rao giảng lời thần thánh cho các lớp dân chúng không sẳn sàng đón nhậïn, có lẽ còn ít sẳn sàng hơn những con người ngày nay nữa ; vì mặc dầu có những phép lạ đi theo lời giảng dạy v.v..., thế mà trong ba năm, Ngài chỉ xây dựng được một nhóm môn đệ nhỏ nhoi ; nay có người được Thánh Thần Chúa thúc đẩy để bắt chước cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu-Kitô ấy, thì người nầy có thể nào thờ ơ đứng nhìn những nhu cầu của Giáo Hội hay không ? và mặc dầu Chúa đã ban cho người ấy lòng ao ước để cứu giúp Giáo Hội và còn nhiều dấu chứng khác về ý muốn của Chúa trong ơn gọi nầy, thử hỏi người nầy cứ mãi khoanh tay rên rĩ, âm thầm thở than mà không làm một cửû chỉ nào để lay động lòng cứng cỏi của con người, như vậy còn có yên lương tâm được hay không ? Đấy chỉ là ảo tưởng. Con biết chỉ có thể nên thánh nơi mà Chúa muốn đặt để cho mình. Nhưng ngay việc đó cũng khó thành công rồi! Trước hết, không hoàn toàn đúng như mẹ nghĩ đâu, vì chắc chắn còn biết bao điều tốt lành mình phải tập luyện, và rồi ngay cả chuyện cố cứu lấy linh hồn mình mà thôi, thì suốt đời mình cũng đã quá lao đao ! Nói tóm, trước tiên phải vâng theo tiếng Chúa gọi, tin vào ơn sủng của Ngài, và để Cha hiền trông nom nuôi dưỡng cho khôn lớn....Con sẽ phục vụ ở Aix và ở trong địa phận ; và vì con nhất quyết suốt đời con sẽ không bao giờ trực tiếp hay gián tiếp xin làm giám mục, nên con sẽ không dời đi đâu, ngoài thời gian công tác vài tháng ở nhà quê, và cũng là thời gian nghỉ của con ngơi trong tương lai.
(EO, 14, 136 tiếp theo)

Thư gửi cha linh hướng, cha Michaux, chiều ngày chịu chức linh mục , ngày 21 tháng 12 năm 1811
Con là linh mục của Chúa Giêsu-Kitô ! Phải sống thân phận nầy mới hiểu được...
Từ mấy ngày trước khi chịu chức và nhất là từ lúc được làm linh mục, dường như con biết Chúa Giêsu-Kitô nhiều hơn. Con sẽ như thế nào nữa nếu con được thật sự biết Ngài !
(EO, 14, 269)

Điều dóc lòng viết trong dịp tĩnh tâm tháng 12 năm 1812 ở Aix
....Trước hết, vì xác tín rằng mình là linh mục nên mọi ngày trong cuộc đời tôi phải trọn đầy trước nhan Chúa; tôi sẽ cố gắng hết sức mình để chu toàn bổn phận nghiêm nhặt và thiết yếu nầy một cách toàn hảo tối đa. Nên tôi cần tránh những gì làm tôi sao nhãng mối bận tâm nầy (tôi phải biết dẹp qua những gì người ta gọi là theo thủa theo thời)...Tôi chỉ đi tìm những ai nơi xã hội ấy khi vinh quang Chúa hoặc sự cứu rỗi các linh hồn đòi buộc tôi phải làm mà thôi...

Thứ đến, vì những bổn phận của một linh mục đối với Chúa là phải hiện thân sự thánh thiện trước mắt mọi người, đối với người bên cạnh là phải chuyên lo phần rỗi cho họ, và đối với Giáo Hội là phải làm một thừa tác viên, nên linh mục phải hết sức cảnh giác để trung thành trong mọi điều nơi phận vụ đáng kinh hoàng như thế. Do đó mà tôi phải đi sâu vào chiều cao dày của thừa tác vụ của tôi, của sự thánh thiện đòi hỏi tôi phải thực hiện ; và tôi phải xác tín rằng chỉ có cuộc sống tu đức đạo hạnh, càng sâu càng dày, mới có thể giúp tôi đạt được mục tiêu...

Tôi sẽ tôn vinh Chúa Giêsu là tình yêu của tôi, trong mầu nhiệm làm người, trong cuộc sống ẩn dật, trong sứ mạng, khổ nạn và sự chết của Ngài ; nhưng nhất là trong Thánh Thể và lễ hy tế của Ngài. Tôi chỉ có một mối bận tâm lớn lao nhất là yêu Ngài; ưu tư khẩn thiết nhất là làm cho người ta yêu Ngài...

Thánh lễ nhất thiết là lời cầu nguyện tuyệt hảo để dâng lên Chúa....vì vậy tôi phải ân cần quí mến Thánh lễ, và luôn luôn chuẩn bị chu đáo để cảm nhận sự cao cả Chúa làm, và thân phận khốn cùng của thừa tác viên là tôi đang thực hiện công việc Chúa trao phó...

Sau Thánh lễ, Kinh Nhật Tụng là một trong những công việc quan trọng nhất của thừ tác vụ linh mục.  Khi trao trách vụ nầy cho tôi, Giáo Hội muốn rằng người thừa tác viên của mình đến trước ngai từ nhân của Chúa nhiều lần trong ngày, để xin Chúa chúc lành cho con cái mình, và để xin Ngài cất đi những tai ương mà vô số tội lỗi trên trần thế không ngừng gây ra. Giáo Hội muốn tôi nhân danh Giáo Hội, nhân danh dân của Chúa Kitô; muốn tôi chia sẻ ngay nơi trần gian nầy cuộc sống của các thần thánh hạnh phúc trên trời....

Đọc sách nguyện ngắm là lương thực hằng ngày của người linh mục ; người linh mục sẽ tìm được nguồn sức mạnh, ánh sáng, sự ủi an khi gặp những khổ đau trong cuộc đời mình. Thiên Chúa sẽ kết hiệp thân mật với người cầu nguyện qua những cảm hứng và ân sủng Ngài ban ; Ngài sẽ đổ xuống tràn đầy ơn phúc để giúp linh mục chu toàn thừa tác vụ của mình, làm cho thừa tác vụ ấy mang lại hoa trái hữu ích cho linh hồn linh mục và linh hồn những người anh em. Nói tóm là nhờ nguyện  ngắm, linh mục sẽ học được sụ khôn ngoan của các thánh và gương lành của ho,ï để bắt chước và đạt được chính những thành quả như họ...
(EO, 15, 21...)

Nhật ký, Lễ Phục Sinh, ngày 31 tháng 3 năm 1839
Tôi đã từ chối đề nghị của Giáo Hoàng đáng kính, người đã phong chức linh mục cho tôi, để ở cạnh ngài với tư cách là phụ tá và là bạn của Ngài, theo như lối nói của Ngài...Tôi đã làm như thế vì không muốn làm tôi lơ là ơn gọi của mình là tận tụy phục vu cho hạnh phúc người bên cạnh, mà tôi mến yêu bằng tình yêu Chúa Giêsu-Kitô đối với con người...
Cũng với tâm tình nầy tôi đã xác định sự chọn lựa của tôi khi tôi trở về Aix; giám mục địa phận Metz, lúc ấy làm giám quản địa phận Aix, đã hỏi tôi muốn làm gì. Tôi không tơ vương nghĩ đến địa vị xã hội mà người ta lúc ấy có thể cho là hữu lý...Tôi trả lời với Đức Giám mục Metz rằng ước vọng của tôi là là hiến mình phục vụ người nghèo và trẻ con. Và nhờ vậy tôi đã công tác trong các nhà tù ; và tập sự bằng việc giáo dục các thiếu niên chung quanh tôi. Tôi đã đào tạo được một nhóm lớn đi vào cuộc sống đạo đức. Tôi thấy có đến 280 em tập họp thành nhóm chung quanh tôi...
(trích trong Leflon, I, trang 417 và 427)

Những bài giảng trog mùa chay tại nhà thờ Madalêna, ngày 3 tháng 3 năm 1813
... Phải rao giảng Phúc Âm cho mọi người và phải trình bày làm sao cho mọi người hiểu được. Người nghèo là phần quí hóa của cộng đồng gia đình kitô giáo; không thể để mặc, lãng quên họ. Chúa chúng ta đã đặc biệt ưu đãi họ nên đã đích thân giáo hóa họ, và nói rõ rằng sứ mạng thần thánh của Ngài là rao giảng cho người nghèo, pauperes evangelizantur.
... Nay quí anh chị hãy biết mình là ai trong cái nhìn của đức tin. Hãy nghe tôi nói đây, hởi quí anh chị là những người đang gặp cảnh khốn cùng đè nặng trên vai, quí anh chị là người anh em, là người anh em đáng quí mến, đáng kính trọng của tôi. Trong lúc đang phải lo âu, khốn đốn, đau đớn, bịnh tật, lở loéùt cùng thân..., quí anh chị là những người nghèo của Chúa Giêsu-Kitô. Quí anh chị là con của Thiên Chúa,  em của Chúa Giêsu-Kitô, là thừa kế gia sản nước trời, là phần tử được chọn để hưởng gia nghiệp; như thánh Phêrô đã nói, quí anh chị là thành thánh, là vua, là thầy cả, và một cách nào đó  là thần thánh...
Vì thế quí anh chị hãy nâng tâm hồn lên, quẳng bỏ ưu sầu để mở rộng lòng mình, đừng bò rạp sát đất nữa. Hãy hướng về trời và tâm tư thường xuyên cự ngụ nơi ấy ; hãy rán nhìn xuyên suốt qua cảnh rách rưới bên ngoài để tìm gặp lại linh hồn bất tư của anh chị ; linh hồn ấy được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa để ngày kia hưởng Nhan Ngài, một linh hồn được máu Chúa Giêsu-Kitô cứu chuộc. Trong cái nhìn của Thiên Chúa, linh hồn ấy quí trọng hơn mọi kho tàng và vương quốc trần thế, được Ngài bỏ công gìn giữ hơn là cai quản cả hoàn vũ nầy.
Hởi kitô hữu, quí anh chị nên biết đến phẩm giá của mình ; tôi xin lặp lại lời thánh Lêô để nói rằng quí anh chị được liên kết với bản tính Thiên Chúa....
(EO, 15, 47...)

Nhật ký về Hiệp Hội Giới Trẻ, ngày 25 tháng 4 năm 1813
Sự dữ đã tràn lan, và chúng ta đang nhanh chân lao mình vào thời hủy diệt nếu Chúa không đến sớm để giải cứu chúng ta....
Cứ mãi làm khán giả buồn thảm trước vô số tội ác nầy sao? Cứ mãi âm thầm than vãn rên xiết mà không cố tìm một giải pháp nào hay chăng ? Hẳn nhiên là không : Dẫu tôi có bị bắt bớ, dẫu tôi có thất bại trong nỗ lực ngăn chận dòng thác ác ôn nầy, thì ít nhất tôi cũng không tự trách mình vì đã không ra tay thử hành động. Nhưng dùng phương cách gì để thành công trong nổ lực táo bạo nầy?...Tôi sẽ cố gắng xây dựng tuổi trẻ ; tôi sẽ cố gắng và gánh lấy phận vụ gìn giữ giới trẻ khỏi những tai ương đang rình rập họ, mà chính họ đang thoáng thấy họ đang lâm nguy; tôi sẽ sớm gợi lên cho họ tâm tình yêu chuộng đạo đức, tôn trọng tôn giáo, thích sống đạo hạnh và ghét bỏ điều gian ác...
Con đường đầy chông gai, và còn nguy hiểm nữa, tôi hẳn biết điều đó...nhưng tôi không sợ gì hết, vì tôi đặt hết niềm trông cậy vào Chúa, vì tôi chỉ tìm vinh quang Ngài và phần rỗi các linh hồn mà Ngài đã cứu chuộc nhờ Con Ngài....
(EO, 16, 138 tiếp theo)

Thư gửi Forbin-Janson, ngày 12 tháng 9 năm 1814
Ngay từ lúc nầy và cũng đã từ lâu, tôi là người phục vụ cho mọi người và sẳn sàng giúp bất cứ ai đến với tôi. Dường như đó là ý Chúa. Tôi không ưa nghề nầy cho lắm, không biết nay mai tôi có cần thay đổi ơn gọi ấy không. Lắm lúc tôi thấy cô đơn mệt mỏi; tôi bắt đầu thấy thích những Dòng tu chuyên tâm thánh hóa cá nhân, tuân giữ đứng phép tắc, và chỉ lo cho kẻ khác nên thánh qua lời cầu nguyện mà thôi. Và cứ thế để sống những ngày còn lại của đời mình ; hẳn nhiên có thể sông khác hơn những ngày đã qua. Biết đâu tôi sẽ sống những ngày như thế!  Có lẽ lúc ấy tôi không chứng kiến những nhu cầu quá khẩn thiết của những người tội lỗi khốn cùng đang cần đến tôi nữa. Ngoài ra cũng có thể tôi tin rằng mình thay đổi cách sống nầy thì sẽ có ích cho họ hơn. Nhưng, trong lúc chờ đợi thì thì giờ và ưu lo của tôi dành hết cho họ.
Sáng nay, ngay trước khi lên bàn thánh, là đã phải cho xưng tội. Rồi khi cởi xong áo lễ, lại phải cho xưng tội. Hôm qua, đến một giờ mà tôi chưa đọc Kinh Giờ Nhất, vì phải ở lại tòa án đến giờ đó. Sáng hôm sau, tôi hầu  như không đọc kinh Tạ Ơn vì phải giúp dạy giáo lý cho một nhóm trẻ nhỏ gần hai giờ bốn mươi lăm phút. Cứ mãi lo cho người mà không còn gì cho mình cả. Loay hoay một mình vì trăm ngàn công việc ...
(EO, 15, 92 tiếp theo)


Thư gửi Forbin-Janson, ngày 28 tháng 10 năm 1814
Tôi chưa biết Chúa đòi hỏi tôi đều gì, nhưng tôi dóc lòng làm theo ý Ngài ngay khi tôi nhận ra được, cho dù ngày mai có phải lên mặt trăng, nếu cần...Tôi muốn nói với với anh là tôi lưỡng lự giữa hai dự án : đi ẩn mình thật xa trong một dòng tu nào đó mà tôi vố ưa thích ; dự án khác là xây dựng trong địa phận của tôi chính chương trình mà anh đã làm một cách thành công tại Paris. Sức khỏe của tôi lại làm làm tôi bực bội. Tôi đã từng có chìu hướng thích dự án đầu, vì kỳ thực tôi cũng hơi mệt mỏi với lối sống hoàn toàn vì kẻ khác. Có lúc cả ba tuần mà tôi không có giờ xưng tội nữa! anh thử xem tôi cứ thế mà kéo dài hoài hay sao! Tuy nhiên, dự án thứ hai tôi thấy dường như có ích hơn, khi thấy dân chúng ngày càng ít giữ đạo...
(EO, 6, 3)

Ký sự
Tôi xây dựng những nền tảng đầu tiên của Hội Dòng nhỏ bé của chúng tôi vào năm 1815. Mục đích chính tôi đưa ra là rao truyền Phúc Âm cho những người nghèo, những kẻ bị lao tù và trẻ nhỏ. Tôi cần  có những bạn đồng hành tận tụy có thể nhạy bén với điều Chúa cảm ứng cho tôi. Khi phải tận hiến cho tác vụ tông đồ, thì cần có những con người xả thân, muốn bước theo bước chân các tông đồ trong việc thực thi các lời khuyên Phúc Âm; tôi không thấy có cách nào khác hơn để làm công việc thiện ích nầy ngoài điều kiện như thế. Nhưng tìm cho ra những con người có tầm vóc nầy thì không phải dễ. Tôi không tìm được những người như vậy.
(trích trong Rambert, I, tr 164)
Thư gửi linh mục Tempier, ngày 9 tháng 10 năm 1815
Bạn thân, bạn hãy đọc bức thư nầy dưới chân Thánh Giá, sẳn sàng lắng nghe tiếng Chúa, để thấy lợi ích của danh Ngài và phần rỗi các linh hồn đang đòi hỏi nơi một linh mục như bạn. Hãy rán quên đi sở thích thoải mái yên thân để thấu hiểu cuộc sống của dân quê, hoàn cảnh tôn giáo ở vùng nông thôn, tình trạng bỏ đạo ngày càng tràn lan đang gây ra không biết bao nhiêu tai hại khủng khiếp. Và phương tiện để ngăn chận cơn lụt ác ôn đó đến nay lại quá èo ọp. Bạn bình tâm để xét xem cần phải làm gì để giải trừ cơn bệnh nầy, rồi hãy trả lời thư của tôi.
Bạn ơi, tôi không đi vào chi tiết và chỉ muốn nói với bạn rằng công việc Chúa thúc đẩy chúng ta thực hiện đang cần đến bạn. Vị lãnh đạo Hội Thánh tin rằng trong hoàn cảnh tang thương hiện nay của nước Pháp chỉ còn các tổ chức truyền giáo mới có thể đưa người ta trở về với đức tin, mà họ đã từng bỏ bê ; và các linh mục tốt lành trong nhiều giáo phận khác nhau nên họp lại để hỗ trợ cho những chủ trương nầy của đấng Mục tử tối cao. Chúng tôi cảm thấy cần thiết phải sử dụng phương thuốc nầy trong vùng chúng tôi ở; trong niềm tin tưởng hoàn toàn vào sự tốt lành của Chúa Quan Phòng, chúng tôi đã xây dựng những nền móng đầu tiên cho một cơ sở thường xuyên gửi đến vùng nông thôn những vị truyền giáo nhiệt thành....
Hạnh phúc đang chờ đợi chúng ta trong Hội Dòng tốt lành nầy, tất cả kết hợp một lòng một trí. Một phần ngày tháng trong năm để hoán cải các linh hồn, phần khác dành để tĩnh  tâm, nghiên cứu, và tu tĩnh thánh hóa cá nhân...Chúng tôi muốn chọn những người có được ý chí và can đảm bước đi theo dấu chân các tông đồ....
(EO, 6, 6 tiếp theo)

Thư gửi Forbin-Janson, ngày 23và 24  tháng 10 năm 1815

Mình hỏi bạn và tự xét lại mình là làm sao trước đây mình do dự về dự án nầy, nay bỗng  dưng lăn lưng vào công việc, hy sinh thì giờ ngơi nghỉ và tiền của cho một cơ sở mà mình đã biết là khó khăn và như ngược lại với sở thích tư nhiên của mình nữa!  Đây là một vấn đề đối với tôi, và đây là lần thứ hai trong đời tôi cần phải lấy một quyết định quan trọng như  một sức mạnh lạ lùng lay chuyễn mình. Khi suy nghĩ lại thấu đáo, tôi tin là Chúa muốn tôi phải chấm dứt tình trạn lưỡng lự bấy lâu. Công việc lên thấu cổ. Và nói cho anh hay, trong hoàn cảnh hiện nay, mình không phải như xưa đâu. Nếu thấy  mình loay  hoay xuôi ngược lúc nầy, hẳn  bạn sẽ không gọi mình là đít chì như trước đây. Vì trách nhiệm mà nay mình hầu như xứng đáng để so với bạn. Mình chới với vì không còn thì giờ nghỉ ngơi, nhưng vẫn thích thú. Hai tháng liền  mình tả xung hữu đột, « tay kiếm, tay cày » như những người Do-Thái trước đây xây Thành Giêrusalem....

.... Mình như đã cạn sức rồi. Giá trước đây mình tiên liệu được nỗi bực bội, bận rộn, lo âu, tốn kém để lo cho cơ sở nầy, chắc mình không đủ nhiệt tâm để thực hiện đâu. Mình cầu xin Chúa mỗi ngày, xin Ngài nâng đở mình khi gặp cảnh lao đao trên bước đường chúng mình đang đi,  và phó thác cho tất cả các thánh truyền giáo.
(EO, 6, 8 tiếp theo)

Thư gửi linh mục Tempier, ngày 13 tháng 12 năm 1815
Cha cứ mặc sức mà nhún nhường,  nhưng xin nhớ là công việc truyền giáo đang cần đến cha; tôi xin trình bày điều nầy với tâm tình chân thành, trước mặt Chúa. Nếu chỉ đi rao giảng đại khái lời Chúa, thêm thắt theo ý thích con người, đi đó đi đây để, nói như người ta, là đem các linh hồn về với Chúa, mà không muốn tự mình là người có cuộc sống nội tâm đầy đủ, không phải là những người tông đồ thực sự, thì tôi tin có thể dễ dàng tìm người thay thế cha ; nhưng cha có thể tin là tôi muốn mời những người như thế hay không?
Chúng ta cần trở nên thánh nơi bản thân mình. Lời đó hàm ngụ nhiều điểu mà chúng ta có thể bàn. Thử hỏi, có nhiều linh mục muốn nên thánh bằng cách ấy hay không? : Không cần phải biết hết các linh mục để có một ý niệm. Phần tôi, tôi thấy thế nầy : đa số trong họ muốn lên thiên đàng bằng một lối khác hơn là con đường khắc khổ, hy sinh, quên mình, nghèo khó, lao lực v.v... Có thể họ phải cố gắng nhiều hơn nữa và thay đổi lối sống hiện nay của họ ; nhưng nếu có vài người ý thức được rằng nhu cầu dân chúng đòi hỏi họ cố gắng nhiều hơn, và các người đó đã dấn thân để cứu đám dân nầy, thì hẳn không có chi phải ray rứt áy náy !
(EO, 6, 13 tiếp theo)

Thư gửi Forbin-Janson, ngày 19 tháng 12 năm 1815
... Có lúc mình thấy cơ sở nhỏ nhoi của mình sụp quị từ trên xuống dưới. Người ta làm đủ cách để phá hủy nó, và khó mà nói là nó đứng vững được. Căn nhà thì đã mua từ lâu rồi;  còn nhà thờ thì phải thuê và phải sửa chữa lại một phần ; mặt vật chất thì sẳn, mà nhân sự thì cheo leo và ít ỏi. Người mà tôi hy vọng hơn cả thì lại bị các bà đạo hạnh trong họ đạo nói vô nói ra làm điên đầu; anh ấy nghĩ rằng ở yên trong xứ là hay nhất ; anh chần  chừ không muốn rời quê và từ chối vì không quyết định được. Một người khác thì có kinh nghiệm đi rao truyền lời Chúa cho dân chúng, nhưng hời hợt với chương trình chung vì nghĩ rằng một mình đi từ nước nầy qua nước khác như vậy lại hay hơn. Người thứ ba rất nhiệt  tình, bực bội về tình trạng ỳ à ỳ ạch của những người khác và hăm là nếu không tiến hành sớm thì anh ta rút lui. Người thứ tư thì đúng là một thiên thần, luôn đem hạnh phúc đến cho cộng đoàn ; nhưng lại không được phép rút lui khỏi phận vụ làm cha phó, mặc dầu anh phản đối rằng anh không thể gánh phận vụ nầy và chỉ muốn phục vụ công cuộc truyền giáo...Phần mình, thì lo âu và mệt mỏi, miễn cưỡng chiến đấu ; trước mớ bòng bong nầy, chỉ biết nương tựa vào những ước vọng siêu nhiên thúc đẩy ; nhưng phải nói rằng tâm tư mình nặng trĩu, vì sở thích và chìu hướng tự nhiên của mình vốn trái với những gì mình đang đối đầu. Đó là những yếu tố Chua trao cho mình để khởi công làm một chuyện khó khăn như thế...
(EO, 6 , 15 tiếp theo)

Thỉnh nguyện gửi các vị Tổng đại diện kinh sĩ đoàn Aix ngày 25 25 tháng giêng năm 1816

Các linh mục ký tên dước đây,
Xúc động trước tình trạng tồi tệ của các thành phố nhỏ và các làng mạc xứ Provence hầu như đang bỏ mất đức tin,
Do kinh nghiệm nhận thấy rằng những sự giúp đỡ thông thường mà quí Ngài đã lưu tâm đem lại cho phần rỗi của họ không đáp ứng được và ngay cả trở thành vô ích trước tình trạng chai đá hoặïc hững hờ của họ,
Xác tín rằng chỉ còn các nỗ lực truyền giáo là phương thế duy nhất có thể giúp dân chúng lạc lầm thoát khỏi u mê,
Đồng thời mong đáp ứng được ơn gọi thức đẩy mình hiến thân cho tác vụ gian nan nầy
Và muốn thực hiện tác vụ ấy một cách vừa hữu ích cho mình vừa có lợi cho các lớp dân chúng mà mình định đến để rao giảng Phúc Âm,
Kính xin quí Ngài cho phép được họp tại Aix trong nhà dòng Carmêlô cũ mà một vị trong họ đã sở đắc để sống thành cộng đoàn ở nơi ấy theo Bản Nội Qui sẽ được trình bày với quí Ngài qua một số điểm chính yếu.

Mục đích của Hội dòng nầy không những nhằm hoạt động cứu rỗi người bên cạnh bằng tác vụ rao giảng, mà còn nhằm cung cấp cho các thành viên của mình phương thế để thực thi những nhân đức mà họ mến mộ ; những nhân đức mà một số người trong họ có thể hiến trọn đời mình trong một dòng tu nào đó để tu luyện, nếu họ đã không hy vọng tìm được nơi cộng đoàn các nhà truyền giáo những lợi ích tương tự trong bậc sống tu trì mà họ dấn thân.
Sở dĩ họ yêu chuộng lối sống thành một cộng đoàn các nhà truyền giáo, chính vì họ muốn mang lại lợi ích cho giáo phận đồng thời nỗ lực thánh hóa cuộc sống của chính họ, theo ơn gọi riêng của mình.
Cuộc sống của họ phối hợp công việc cầu nguyện, suy ngắm các chân lý thánh , thực hành các nhân đức, học hỏi Kinh Thánh, các giáo phụ, thần học tín lý và luân lý, giảng dạy và hướng dẫn các người trẻ.

Họ sẽ phân chia công việc để khi có người tu tập các nhân đức và các sự hiểu biết cần cho một nhà truyền giáo tốt lành tại cộng đoàn, thì những kẻ khác lại đi đến các nơi rao truyền lời Chúa.
Sau những ngày truyền giáo mệt mỏi, họ sẽ trở lại cộng đoàn để nghĩ ngơi và thực thi một tác vụ ít mệt nhọc hơn, suy niệm và học hỏi để làm cho những công việc tương lai của mình mang nhiều hoa trái hơn nữa....
(EO, 13, 12 tiếp theo)


Ghi lại trong dịp tĩnh tâm, tháng 7-8 / năm 1916

Tâm trí tôi cứ mãi suy nghĩ rằng, một khi mình tận tâm tận lực, kể cả hy sinh tính mạng vì vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn, thì không thể nào Thầy tốt lành lại không tha thứ cho tôi; nhất là khi những sai sót của tôi lại phát sinh do việc tôi vâng theo ý Ngài để dấn thân cho vinh quang của Ngài và phần rỗi người bên cạnh....

Trước hết, tôi cần phải tự nhủ với lòng mình là phải làm theo ý Chúa để phục vụ người bên cạnh, lo lắng về những việc bên ngoài nhà chúng tôi v.v... ; và thực hiện điều ấy với hết sức lực của mình, mà không lo rằng cứ như thế thì mình không làm được đều mình thích hoặc không trực tiếp giúp mình nên thánh. Chẳng hạn nếu lúc mình đang ham muốn chiêm ngắm lòng từ nhân của Chúa Giêsu-Kitô trong Thánh Thể, nhỡ có ai xin mình xưng tội, bấy giờ mình phải từ giả việc chiêm ngắm Chúa để vui vẻ chu toàn công việc bác ái mà ý Ngài đòi buộc mình làm. Hoặc giả, khi tôi quá mệt mỏi thân xác và tinh thần, tôi muốn đọc sách hoặc cầu nguyện  v.v. , nhưng công việc trong nhà buộc tôi phải đi lo nhiều chuyện phiền phức hoặc đi thăm viếng ai, thì tôi phải luôn yêu chuộng điều Chúa đòi hỏi trên  sở thích của mình ...để thực hiện ý Ngài không ngần ngại. Nếu phải chọn lựa thì luôn ưu tiên việc phục vụ điều Chúa đòi hỏi hơn là tìm điều mình thích. Còn hơn thế nữa, tôi phải cố gắng ưa thích điều gì hợp với y ùThầy; ý muốn của Ngài không những là mực thước cho hành động của tôi, mà còn hướng dẫn tâm tư tôi.

Đạt được tình trạng đó là tốt đẹp hoàn toàn. Thế nhưng nay tôi còn bất cập, vì thiếu suy nghĩ thấu đáo nên dễ chìu theo lòng háo hức tự nhiên, không chịu đựng nổi những công việc hoặc sự phiền toái nào đó cản chân, tưởng rằng mình câén phải làm điều khác quan trọng hơn. Và tình trạng nầy xảy đến từng chục  lần mỗi ngày !
(EO, 15, 156 tiếp theo)

Thư gửi các anh em truyền giáo, tháng bảy năm 1816
Tôi xin quí bạn thay phần cuối kinh câu của chúng ta ; thay vì đọc Jesu sacerdos ( Chúa Giêsu thầy cả), thì nên đọc Chrite salvator ( Chúa Kitô cứu chuộc chúng tôi). Chúng ta phải chiêm ngắm Thầy Chí thánh của chúng ta theo nhãn quan nầy. Do nơi ơn gọi của mình, chúng ta được kết hợp đặc biệt với sự cứu rỗi con người. Nên chân phước Liguori đã đặt Dòng của ngài dưới sự bảo trợ của Chúa Cứu Thế. Ước chi chúng ta hiến mình phục vụ để công cuộc cứu chuộc của Chúa không trở nên vô ích cho chúng ta và cho những người mà Chúa gọi chúng ta rao truyền Phúc Âm.
(EO, 6, 22)

Thư gửi cha Duclaux, ngày mồng một tháng giêng và 21 tháng 04 năm 1817
Tôi không biết phải bắt đầu như thế nào để báo tin cha hay về những việc kỳ diệu Chúa đã thực hiện ở đây qua tác vụ của chúng tôi. Chúng tôi thực sự thấy được những kỳ công trong thời kỳ đầu của Kitô giáo đang xãy ra lại trước mắt ; và trong mọi lúc Chúa cho chúng tôi biết chúng tôi không khác gì hơn là cái kèn Chúa dùng để đánh thức và làm cho các linh hồn được phục sinh, bởi vì việc Chúa làm tỏ tường, trực tiếp và có thể nói như là phép lạ vậy...

Cha khó mà tin được rằng, khi tôi chỉ muốn làm đều tốt, hay đúng hơn là làm đều tốt với ơn của Chúa, thì lại phải chống chọi với một sự bắt bớ không ngừng từ phía một số linh mục; nhưng họ cũng không làm gì được vì phản ứng mà Chúa muốn tôi phải hành xử : tôi xem như không biết đến những mưu toan mờ ám của họ, và chỉ bênh vực mình bằng cách cố nhịn nhục và vẫn tiếp tục những việc Chúa muốn tôi làm dầu họ không thích. Tôi nghĩ rằng chắc  các thánh cũng làm y như thế,  và tôi ước mong được hành xử như họ ...

Nếu tôi không lấy lời thánh Phaolô nos autem servos vestros per Jesum ( chúng tôi xem mình là đầy tớ của anh em vì Chúa Giêsu, 2 Cr 4,5), thì chắc tôi không chịu nỗi. Nhưng tư tưởng đó làm dịu lòng tôi...
(EO, 13, 18 tiếp theo)

Thư gửi cha Forbin-Janson, ngày 21 tháng giêng năm 1817
Mình chẳng có chutù thì giờ  nào nữa. Công việc giảng dạy ở trong thành cũng như tại các nơi truyền giáo quá bề bộn. Lắm lúc mình lại nghĩ như ngưởi ta lợi dụng thiện chí của mình.  Nhưng mình không chìu theo ý nghĩ nầy, vốn trái với tình cảm ghi khắc trong tim, là chúng tôi phải trở thành tôi tớ cho mọi người. Mình kiên quyết dóc lòng thực hiện tâm niệm đó trong bài suy gẫm ngày hôm nay. Nó vốn khó khăn, nhưng nếu biết thực thi thì đúng là công đức...

Chúng tôi có khoảng năm anh em, làm việc đầu tắt mặt tối ; nhất là đối với mình, về thành cũng không dược nghỉ ngơi. Mình mà có chết thì thiên hạ sẽ cho là đáng tiếc ! Hắn liều mạng đến tự tử ! trong lúc những kẻ sát nhân lại là những người từ chối, không đến giúp chúng tôi một tay !
(EO, 13, 20 tiếp theo)

Thư gửi linh mục Tempier, ngày 22 tháng 8 năm 1817
Chúng ta là  hoặc phải trở thành những linh mục thánh thiện biết cảm thấy hạnh phúc trong việc hy sinh của cải, sức khỏe, cuộc sống mình để phục vụ và vì vinh quang Chúa chúng ta. Chúng ta được sinh ra làm người, và đặc biệt sống trong nhà chúng ta, là để nên thánh bằng cách giúp đỡ nhau qua gương lành, lời nói và cầu nguyện. Chúa Giêsu-Kitô của chúng ta đã phó thác cho chúng ta tiếp tục công cuộc cứu thế cao cả. Chúng ta phải nhắm đến mục tiêu duy nhất đó. Một khi chúng ta chưa sống hết cuộc sống mình, đổ hết máu mình để đạt đến thành công, thì không có gì để nói cả. Huống chi nay chúng ta chỉ đổ vài giọt mồ hôi và và chịu vài khổ nhọc không đáng là bao ! Tinh thần hoàn toàn tận tụy phục vụ vinh quang Chúa, Giáo hội và phần rỗi các linh hồn là linh đạo đặc biệt của Dòng chúng ta, một hội dòng tuy nhỏ nhưng sẽ luôn mạnh mẽ khi có sức sống thánh thiện. Các tập sinh của chúng ta phải thấm nhuần những tư tưởng nầy, phải đào sâu và suy gẫm. Mỗi hội dòng trong giáo hội có linh đạo riêng. Linh đạo ấy được Chúa cảm ứng tùy những hoàn cảnh và nhu cầu của lịch sử ; trong những hoàn cảnh ấy Chúa muốn động viên đạo quân trừ bị như thế, hoặc đúng hơn là đạo quân tinh nhuệ, đi tiên phong trong đoàn quân đang tiến bước, anh dũng hiên ngang mang lại những vinh quang rực rỡ.
(EO, 8, 37 tiếp theo)

Thư gửi linh mục Tempier, ngày 19 tháng 10 năm 1817
Phải có ơn đặc biệt lắm mới giữ tôi khỏi nổi xùng với Đức Cha Bausset, tổng giám mục Aix, vì Ngài bị mắc vào bẫy âm mưu của những người ngăn trở và bách hại chúng ta từ bấy lâu nay...Hẳn đây là hy sinh lớn lao nhất mà tôi phải chịu đựng để dằn tự ái của mình.Khi ngồi nói chuyện với Ngài, tôi muốn đứng dậy từng hai chục lần... Nhưng Công cuộc Truyền giáo, nhà Dòng, tất cả các linh hồn đang chờ đợi nơi tác vụ của chúng ta đã giữ tôi lại, đóng thân tôi vào thập giá đớn đau mà tính tự nhiên của mình khó mà chịu cho nỗi...Ngài nói tôi hoàn toàn sai, và các cha xứ hoàn toàn có lý...

Chúng tôi chia tay nhau trong thân tình, nghĩa là Ngài hôn tôi hai hoặc ba lần, làm như những vết thương xé nát tim tôi có thể xóa ngay được, như có thể lấy khăn lau mặt là xong không bằng !

Các bạn mến, tôi xin các bạn suy xét trước mặt Chúa xem chúng ta phải làm gì. Hảy quên đi khía cạnh con người để chỉ nghĩ đến Chúa, Giáo hội và các linh hồn mà mình cần cứu vớt. Tôi sẽ đồng ý những gì quí bạn quyết định. Tôi săn sàng uống cạn chén đắng. Hãy nhớ là những nhục nhằn dành cho tôi, các bạn không liên can đến những tranh luận nầy...

Bình thường theo tính tự nhiên thì chắc phải chấm dứt mà thôi. Nhưng với ơn Chúa giúp, tôi sẽ làm ngược lại... Tôi thấy mình đủ can đảm nếu được lòng đạo hạnh của các bạn hỗ trợ, được sự nhẫn nhục của quí bạn giúp tôi chịu đựng tất cả những xúc phạm người ta đổ xuống trên tôi. Các bạn sẽ là sức mạnhh của tôi và chúng ta an ủi nhau trước chiến thắng của kẻ ác. Lòng đạo hạnh nơi những thanh niên của chúng ta sẽ làm dịu khổ đau của chúng ta. Phần tôi, tôi sẽ bị người ta bêu rêu vì họ nghĩ la tôi cứ khăng khăng níu kéo công việc của mình ; việc bêu rêu đó lại giúp tôi ở việc khác, không phải vì tôi quá nặng lòng với công lao của mình cho bằng ơn Chúa giúp tôi thắng được bản tính tự nhiên của tôi để tôi còn đương đầu với hoàn cảnh khó khăn nầy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét