Khổ
và cứu khổ
Nguyễn
Đăng Trúc
Nhận thức về Khổ và giải pháp cứu khổ
của triết học và văn minh hiện đại
Từ thế kỷ 19, sau Kant, người ta không muốn triết học chỉ là một mớ kiến
thức vu vơ, một trò chơi luận lý sách vở không ăn nhập gì với thân phận con
người trong thời gian và biến hóa của lịch sử.
Khám phá ra thân phận mình gắn bó với thực tế và thời gian, thì đồng thời
triết học đối diện với vấn đề đau khổ, cứu khổ và tự do, giải phóng.
Hai tác giả ý thức sâu xa về thân phận con người gắn bó với thời gian thì
cũng là hai triết gia đã đề nghị những giải pháp táo bạo được thực hiện trong
thế kỷ 20: Hegel và Nietzsche (Hãy xem ảnh hưởng của Hegel trên chủ nghĩa cộng
sản, và Nietzsche trên chủ trương thác loạn hạ cấp ngày nay).
Hegel muốn khai thác chiều kích lịch sử nơi Kytô giáo để đưa ý niệm thời
gian vào triết học. Nietzsche thì muốn quay trở lại thời bi kịch Hy Lạp để đánh
đổ giấc mơ duy lý cổ truyền. Nhưng cả hai đã không thoát khỏi tiền đề sâu kín
tạo nên giấc mơ triết học, nên tráo ngược nội dung Kytô giáo và tư tưởng bi
kịch của Hy Lạp.
Tiền đề đó là ý muốn nguyên sơ đồng hóa con người và tuyệt đối. Nên tất cả
nỗ lực khám phá những dữ kiện đa biệt trong các công trình triết học của hai vị
cũng gói gọn trong cái bọc vô hình là cái Ngã độc tôn, dẫu mang nhiều danh hiệu
như siêu nhân (surhomme) hay Nhân loại (Humanité) hoặc Tinh
thần (Esprit).
Hegel đã chuyển Đức Giêsu Kitô, một con người lịch sử, duy nhất, độc đáo
thành hình ảnh tượng trưng và lấy ý niệm trừu tượng về một nhân loại theo ý ông
làm thực tại. Thực ra, khi mang lấy thân phận con người với thời gian tính, khổ
nạn cùng cực của Đức Giêsu Kitô được gói gọn trong câu: "Lạy Thiên Chúa
tôi, lạy Thiên Chúa tôi, sao Ngài đã bỏ rơi tôi?" (Mc. 15, 34).
Thời gian gắn liền với đau khổ trong Kitô giáo là sự xa cách giữa con người cụ
thể và Thiên Chúa Ngôi vị, và giữa những con người với nhau. Khổ đau nơi Hegel
là sự chối bỏ một phần của mình để tự mình làm cho mình triển nở. Đây là biện
chứng của tư duy, nhưng cũng chính biện chứng đó tạo nên thời gian và lịch sử.
Biện chứng được nới rộng, để rồi dong dài đi đến những cảnh đấu tranh, triệt
hạ, dẫu bi thương nhưng là cần thiết cho ý niệm Tinh thần và Nhân loại. Marx có
xoay ngược vị thế giữa tinh thần và thiên nhiên, thì cũng không khác Hegel
trong lối luận chứng gọi là biện chứng pháp về lịch sử vắng bóng người cụ thể.
Còn Nietzsche thì quay lại bi kịch của Hy Lạp và khai thác tối đa câu nói này
của Héraclite :
Thời gian là
một đứa trẻ đùa chơi: vương quốc của một trẻ thơ!
(Câu. 52)
Thực ra, câu nói này đầy ẩn ý, nếu không nói là bi thương khi nhìn những
cuộc chém giết của con người nhân danh những tiêu chuẩn tương đối, bất tất của
lịch sử. Hơn nữa câu nói này không thể nằm ngoài nhận định sau đây của
Héraclite:
Logos (Nghĩa
tối hậu), con người ta không bao giờ hiểu được, dẫu chưa từng nghe hay đã được
nghe qua (Câu 1)
Và chính sự xa cách giữa Nghĩa tối hậu, Lời Nguyên Thủy và thân phận
con người sống trong thời gian mới là thảm kịch cốt lõi tạo nên các bản
bi kịch Hy Lạp.
Qua bi kịch tiêu biểu của Sophocle "Oedipe làm vua",
ta thấy cô động cảm thức của nền văn hóa Hy Lạp tiền Socrate về thân phận con
người gắn bó với thời gian. Oedipe là thân phận con người tại thế, bước
chân vào đời thì như mang vào mình án giết cha (Laios) mà mình không hay
biết. Tương giao đứt đoạn với Nguồn Gốc đã đẩy Oedipe đi tìm vu vơ qua
sự hiểu biết, phân biệt ngày đêm, qua sự chế ngự kẻ khác, qua việc đào xới
thiên nhiên, ăn nằm với chính mẹ mình (Jocaste) không khác gì như định
mệnh muốn Oedipe thay cha để tạo một nhân loại mới, một nhân loại loạn
luân. Khi nhờ người mù Térésias nói cho hay về quá khứ, lý lịch của
mình, thì Oedipe cũng không thể làm gì hơn là ý thức thân phận mù lòa
trước chân lý và lưu lạc xa Quê, xa Nhà của con người tại thế. Thời gian
làm con người khổ vì nó là bức tường ngăn cách, là duyên cớ tạo nên lầm lạc, và
con người không trông chờ gì nơi nó để tự cứu.
Với một lối diễn tả khác, trong vở bi kịch "Prométhée bị
trói", văn hào Eschyle cho thấy nỗ lực tự cứu bằng tài năng của con
người cũng chỉ là việc làm vô vọng trong việc truy tìm chân lý. Tài năng biến
chế đồ vật, sự hiểu biết của con người chỉ là những giải pháp giúp con người
sống tạm, quên đi nỗi hãi hùng của sự chết, vốn là một sự kiện không chịu nổi
giữa ước mơ vô tận và thực tế của kiếp người trong thời gian hữu hạn.
Prométhée, vị thần duy nhất của thiên cung muốn nối kết Cronos và Zéus, thời
gian và tuyệt đối, để cứu con người khỏi trầm luân âm giới bằng cách:
- Ta đã làm cho con người hay chết quên mình
phải chết
- Ta đã đưa vào hồn nó những ước mơ mù
quáng
- Ta còn làm hơn nữa: ta cho chúng lửa
- Từ lửa đó
học được đủ tài nghệ (v. 248-260)
Nhưng nhân vi ảo ảnh đó là vô chân, chỉ đưa đến tai họa ngàn đời cho
Prométhée.
Giải pháp của văn hóa Hy Lạp là một mặt ý thức thảm trạng của kiếp người,
mặt khác là nỗ lực xây dựng cuộc sống trật tự, dẫu tương đối nhưng cần thiết,
vì đó là sự khôn ngoan duy nhất còn lại .
Nietzsche am tường những nội dung này, nhưng giải pháp của Nietzsche là
chọn thái độ quá lạm của Prométhée phản kháng, bất chấp chân lý. Từ cảm nhận
thời gian, lịch sử, con người, theo thân phận và phán đoán hữu hạn của mình như
một trò đùa trẻ con, Nietzsche quyết tâm đưa phán đoán hữu hạn ấy này thành một
chân lý tuyệt đối do chính mình làm ra để thể hiện ý chí quyền lực của mình.
Nay không phải thời gian được nói ví von là một trò đùa trẻ thơ, nhưng
toàn khối trời, đất, thần, người là một trò đùa. Nói cách khác, từ khổ đau của
kiếp người, ta tạo một trời mới đất mới theo ý ta, do quyền lực của ta, và đó
là tự do và giải phóng. Ngay từ cuốn đầu tay "Sự khai sinh của bi
kịch" năm 1871, Nietzsche đã viết:
Sự vô độ đã
được khai mở ra như là chân lý; nói cho đúng, sự mâu thuẫn này, sự khoái chí
này phát sinh từ nỗi đau đớn, gióng lên một tiếng nói, dường như phát xuất từ
thâm cung của chính bản tính tự nhiên [2].
Cũng vì nhận thức thảm trạng thực tế của kiếp người một cách sâu xa đồng
thời với một giải pháp phản kháng mù quáng, cùng cực và bất chấp chân lý mà
Nietzsche mang hai bộ mặt vừa tiên tri và vừa là ác qủi.
Tóm kết lại, sấm ngôn của triết học Tây phương "Người ơi, hãy biết
mình" được Socrate nêu lên đã mãi chỉ được hiểu là "Người
ơi hãy tự mình chỉ biết lấy mình", để nỗi khổ tự căn của con
người là thiếu vắng một ai đã trở thành nỗi bực tức chính mình một cách điên
cuồng và vô vọng.
Khổ trong truyện Kiều
Hầu như đồng thời với Hegel
và Nietzsche, và cùng sống những cảnh đổi thay lịch sử, Nguyễn Du, qua truyện
Kiều, đã giúp chúng ta hiểu được tâm thức của tiên sinh, và hẳn đó cũng là tâm
thức của người Việt Nam đương thời, về cuộc đời và phản ứng trước khổ đau của
hiện sinh.
Mở đầu câu truyện tác giả
cho thấy cuộc đời là một trường chiến đấu, giữa tài và mệnh.
Qua câu nói tổng quát này,
cần hiểu là nhân vật Kiều là chính mỗi một con người chúng ta, vượt lên biên
giới của bất cứ thời kỳ lịch sử nào. Nếu câu truyện có mượn khung cảnh lịch sử
xã hội thời nào đó, thì phải xem là một kỹ thuật văn chương. Hơn nữa, những tên
gọi như Kiều, Thúc Sinh, Từ Hải, Giác Duyên... đều mang một ý nghĩa tượng trưng,
chuyên chở những ý niệm văn hóa vượt thời gian lịch sử (không khác gì trong Tây
Du Ký của văn học Trung Hoa với các tên gọi Tề Thiên, Trư Bát Giái, Sa Tăng…).
Muốn hiểu được khung cảnh
của Khổ trong Kiều, không thể bỏ qua việc phân tích chữ Tài và Mệnh.
Trước hết theo chính nghĩa
đen của truyện Kiều, tài được kể là những gì xã hội con người xem là
giỏi, hay, đẹp: Kiều mặt đẹp, văn hay, đàn giỏi.
Dẫu không quá hấp tấp để
đồng hóa chữ tài với thế giới nhân vi, giả ảo, xa Đạo tự nhiên
trong tư tưởng Lão Trang, hoặc với thế giới sắc sắc, không không do nghiệp
(karma) là ước muốn, bàn tay con người làm ra, theo ngôn ngữ nhà Phật,
nhưng người đọc cũng có thể nhận ra rằng trong sự thâu hóa nhuần nhuyễn các nội
dung của Tam giáo, người Việt Nam ta cũng có một ý niệm về chữ tài không
xa với các ý nghĩa đó.
Nếu đọc bản văn, ta sẽ thấy chữ
tài không những là một số tài năng của Kiều, mà còn là những giải pháp
tưởng chừng như cứu Kiều khỏi số mệnh long đong của mình: như lòng trắc ẩn và
những xoay xở của Thúc Sinh, lòng hào hiệp, quảng đại của Từ Hải anh hùng... Do
đó có thể đi đến định nghĩa chữ tài là tất cả những gì phát xuất từ con
người, việc đánh giá, nỗ lực giải phóng...Và chữ mệnh, là nguồn cơ từ
đâu đến con người không thể suy biết được. Chữ mệnh trong Kiều lại
gắn bó với hai chữ khác: đó là Duyên và Tâm.
Theo đúng ý nghĩa câu
truyện, duyên thì không phải là sự ngẫu nhiên, bất ngờ mà thôi, nhưng là
việc làm của Bề Trên mà con người hữu hạn không thể lý hội được.
Chữ Tâm cũng không
phải là cảm tình, ý muốn, chủ định phát xuất từ con người, nhưng là cái bên
trong ẩn kín, điều mà Kinh Thư gọi là "Đạo Tâm duy vi",
kín đáo ở với con người nhưng không đồng hóa với suy tư và việc làm
con người.
Như thế phải khẳng định rằng
chữ mệnh của Kiều không liên quan đến thuyết định mệnh của các trường
phái khắc kỷ Tây phương như nhiều nhà phê bình văn học gán ghép. Theo trường
phái khắc kỷ Tây phương, định mệnh là vòng quay hữu lý, máy móc của vũ trụ, bất
chấp ước muốn con người; nhưng nhờ đồng hóa với lý trí của vũ trụ, con người
có thể dùng ý chí và lý trí của mình để tự giải thoát. Trong cuốn
VIII, Epictète khuyên:
Ngươi đừng đòi sự thể ở đời xảy ra theo
như ngươi ước muốn, nhưng hãy ao ước chúng xảy ra như thực trạng chúng xảy ra,
thì ngươi sẽ luôn mãi hạnh phúc
Kiều là thân phận con người,
con người gắn bó với nghiệp của mình là mang lấy "thân".
Ngẫm hay muôn
sự tại trời,
Trời kia đã
bắt làm người có thân (3241-3242)
Chữ "thân" này gói ghém tất cả những đặc tính của
thời gian. Thời gian, thế giới người đó là thung lũng nước mắt, mà con người
cảm nhận qua những nố bất tương phùng giữa ước muốn và thực tế, giữa những thay
thay đổi đổi gây nhiều thương đau hơn là đem lại thành quả vui vẻ. Nguyên do
gây nên khổ không những không giải thích được, như vô cớ gia đình họ Vương lâm
nạn, mà còn nằm trong những việc làm của con người, tốt cũng như xấu theo mẫu
mực định giá của nó. Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Bạc Bà... đã gây ra khổ cho
Kiều vì ác độc, nhưng nỗ lực cứu Kiều khỏi khổ của Thúc Sinh, những cố gắng của
nếp sống thoát tục nơi Quan Âm Các, những cử chỉ hào hiệp của Từ Hải cũng không
cứu Kiều khỏi căn khổ nơi thân.
Nếu Nguyễn Du không tiền cảm ba mẫu mực văn hóa con người – homo
sapiens (Tề Thiên), homo ludens (Trư Bát Giới) homo faber
(Sa Tăng) - trên đường tìm chân lý cứu thoát như trong truyện Tây Du Ký của
Trung Hoa, thì thi sĩ này cũng cho thấy khá nhiều những giải pháp cứu khổ mà
lịch sử con người và nhân loại đề nghị:
- Thúc Sinh và những tình cảm hết sức là thông thường của con người,
những khôn ngoan xoay xở tùy lúc, sự tốt lành bình dị của cuộc sống hằng ngày.
- Quan Âm Các,
Phật đường - "giữ chùa, tụng kinh" Con đường khổ hạnh, quên lãng.
Tạm qui ngũ
giới cho nàng xuất gia
Áo xanh đổi
lấy cà sa . . . (1920-21)
- Từ Hải, lòng
hào hiệp muốn cứu đời bằng bạo lực gươm đao, cách mạng:
- Anh hùng đoán giữa trần ai mới già (2202)
- Trượng phu thoát đã động lòng bốn phương
Trông với trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đàng thẳng rong
(2214-16)
- Bằng nay bốn bể không nhà (2225)
- Dọc ngang nào biết trên đầu có ai (2472)
- Ngẫm từ đấy việc binh đao
Đống xương vô định đã cao bằng đầu (2492-94)
Những giải pháp đưa ra đó có hay đấy, nhưng tạm bợ và giả tạo làm sao:
Rằng hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào (489-490)
hoặc:
Vui là vui
gượng kẻo là
Ai tri âm đó,
mặn mà với ai? (1246-47)
Phải chăng như giấc
mộng đã cho hay:
Rì rằng: nhân
quả dở dang
Đã toan trốn
nợ đoạn trường được sao
Số còn nặng
nghiệp má đào
Người dầu
muốn quyết trời nào đã cho (995-998)
Phải, Nguyễn Du đã có gợi lên vài lần trong truyện Kiều về luật nhân quả
luân hồi, đặc biệt khi Kiều muốn tỏ bày mối tình chung thủy với Kim Trọng bất
chấp những hoàn cảnh buộc phải phân ly nơi cuộc sống trần ai:
Biết bao
duyên nợ thề bồi?
Kiếp này thôi
thế thì thôi còn gì
Tái sinh chưa
dứt hương thề
Làm thân trâu
ngựa đền ghì trúc mai
Nợ tình chưa
trả cho ai
Khối tình
mang xuống tuyền đài chưa tan (705-710)
Nhưng trong toàn bộ câu truyện, Nguyễn Du không lấy luật nhân quả, vay trả
trả vay, và ngay cả luân hồi nhiều kiếp để giải thích khổ đau, ít nhất là khổ
đau của kiếp làm người. Đối với Nguyễn Du, nghiệp má đào là nghiệp làm người,
và tự thân phận làm người có thân đó là một cái nhân, một món
nợ phải trả .
Nợ làm người, và đó là thảm kịch. Đôi lúc Nguyễn Du ví món quà Tạo Hóa cho
con người có cuộc sống trong thời gian là một cuộc thanh luyện, một cái Khổ
giúp người được thanh cao:
Bắt phong
trần phải phong trần
Cho thanh cao
mới được phần thanh cao (3243-44)
Tại sao món quà cho làm người được gọi là nợ, và được cảm nhận là khổ?
Nợ phải chăng vì phận làm người không phải do con người tự mình làm ra?
Khổ phải chăng vì con người còn có khả năng và tự do để đạt quyền sở hữu
phận mình và quên nguồn gốc nguyên sơ?
Cũng vì thế tài và mệnh tương giao trong một nỗi ghen,
một cuộc chiến đấu của chân lý và mê hoặc. Và phải chăng vì thế, Kiều phải trả
lại cuộc đời, toàn cuộc đời, khi chết đi con người oan nghiệt của chữ tài
trên sông Tiền Đường để ngộ được, hay giác được duyên của
mệnh trời.
Phần sau của câu truyện khi Kiều đã trả lại kiếp người của mình trên sông
Tiền Đường, hẳn không phải là thiên đàng trần thế có thực. Trăm năm trong cõi
người ta, đời vẫn luôn mãi là đấu trường của tài-mệnh, và đời vẫn là khổ. Nhưng
đây hẳn là một cuộc đổi mới cái nhìn, một cảnh giới của kẻ đã giác duyên,
ngộ được mối tương giao trời-đất-người chân thật. Và đó là nghĩa, một
đòi hỏi đạo đức, phải như thế, tức là đạo làm người, như trong phần kết đã nói
rõ:
Đã mang lấy
nghiệp vào thân
Cũng đừng
trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở
tại lòng ta
Chữ Tâm kia
mới bằng ba chữ Tài (3249-52)
Chữ Tâm đó ở bên trong, nghĩa là không phải phát xuất tự cái Tài con
người thể hiện ra bên ngoài; và con người chỉ nghe được tiếng vang vọng của nó
khi đã chết đi nhân loại ảo ảnh do bàn tay con người cố tạo ra. Và việc đó cũng
cần đến "duyên" nữa.
Job,
khổ và yêu
Sách Job được truyền thống Do Thái giáo và Kitô giáo xếp vào mục sách Khôn
Ngoan, theo nghĩa là mô tả sự tương giao giữa con người và Thiên Chúa. Khôn
ngoan xét đến điểm cùng cực khi đặt nổi một thực tại tiêu cực nhất theo nhận
định của con người, để vẫn tìm thấy nơi đó nghĩa của Tình Yêu.
Mircea Eliade, một tác giả dày công truy cứu về lịch sử các tôn giáo
đã nhận định:
Điểm gay cấn
nhất của "khổ đau" chính là lý do nó phát xuất ra; khổ đau chỉ làm
cho ta hoang mang khi căn nguyên của nó còn mịt mờ không biết tại do
đâu...Thông thường, ta có thể nói rằng khổ đau được xem là hậu quả của sự
tách rời ra khỏi "mẫu mực thường hằng". Mẫu mực này tùy dân tộc và
văn minh có thể mang nhiều nội dung, hình ảnh khác nhau. Nhưng điều quan trọng
là không nơi nào - trong khung cảnh của các nền văn minh cổ xưa - khổ đau được
xem là "mù quáng" và không có ý nghĩa .[3]
Điều mà Micea Eliade cho là ý nghĩa giải thích khổ đau thông thường được
hiểu là quả của một cái nhân tội ác, là cái giá con người phải trả về lỗi lầm
của mình. Quan điểm đó có thể là một sự điều chỉnh của một vũ trụ quan gọi là "Natura
naturans", luật của thiên nhiên nhất thể biến hóa vô tình, hoặc
là sự trừng phạt kẻ khác của Thượng Đế như quan điểm truyền thống của
thần học DoThái giáo [4]. Và trong sách Job, ba người bạn an ủi ông cũng nhấn
mạnh đến quan điểm thần học này, đó là Eliphaz, Bildad và Cophar.
Nhưng, "Khổ" nêu lên trong sách Job, một câu truyện tượng trưng,
nhưng muốn gói ghém những nỗi khổ của con người và cũng là một thách thức về
câu hỏi khác hơn:
Job có kính
sợ Thiên Chúa một cách dưng không hay không? (Jb I, 9)
Câu hỏi thách thức về mặc khải Tình Yêu của Thiên Chúa đối với con người,
và ngược lại.
Vô cầu, dưng không, là nội dung chính của sách Job, là tinh túy
của toàn bộ Thánh Kinh.
Đối với kẻ không yêu, câu hỏi đặt ra trong sự kính sợ Thiên Chúa phải
là:
Có phải
vì khung cảnh gia đình, quy ước xã hội, vì phần thưởng đời này hoặc
đời sau, vì đáp ứng đòi hỏi của lương tâm hay không? - Nếu không,
thì vì gì? Không gì cả hay sao?
Kytô hữu chỉ có thể vừa khiêm tốn nhưng vừa tràn đầy hy vọng mà phải trả
lời: "Thực ra không vì gì cả, chỉ vì yêu mến Thiên Chúa mà thôi".
Và trong ý nghĩa cùng cực đó, sách Job đã được giữ lại như là Sách Khôn
Ngoan. Nếu không như thế, thì những lời của Job phát ra trong cơn khổ đau sẽ
được đồng hóa với lời của Hegel, Nietzsche hoặc của Jean-Paul Sartre!
Mở đầu câu truyện Job được mô tả là người công chính trước Thiên Chúa, xã
hội và ngay cả đối với Satan. Thiên Chúa hãnh diện khi tạo đựng được một con
người như thế. Và để thách thức Thượng Đế, Satan đi đến bước cùng:“ - Phải, con
người có thể yêu Ngài, nhưng thực tâm có phải vì Ngài hay vì một cái gì khác
ngoài Ngài. Tình yêu dưng không đó Thượng Đế có thể ban cho con người không?“
-- Và qua Job, thảm kịch cuộc đời con người được diễn tả qua từng nấc:
- Chiến tranh, tai họa thiên nhiên giết người, đốt nhà, sát hại cả con cái,
tiêu hủy gia sản của Job.
- Chưa hết, một căn bệnh ghê tởm, có lẽ là bệnh cùi đã biến thân thể của
Job thành mớ máu mủ tanh hôi. Job bị ruồng rẫy bởi chính người thân nhất
còn lại trong nhân loại, tức là vợ mình; và hơn nữa bị cả xã hội, qua vợ mình,
thách thức về chính sự trung tín của mình đối với Thiên Chúa. Vợ ông đã nói lời
cuối với ông:
Ông còn mãi
cố trung tín được sao? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho xong! (Jb 2, 9)
Đến đây Job vẫn không lên tiếng chống lại Thiên Chúa.
Từ câu 2, 11 đến hết câu 2,13, một đoạn rất vắn mô tả những gì
con người có thể làm được trước đau khổ kẻ khác: Ba người bạn, từ ba nước khác
nhau, Eliphaz từ Téman, Bildad từ Shuab, Cophar từ Naamat tìm đến để chia sẻ
nỗi khổ và tìm cách an ủi Job. Từ xa họ đã thổn thức, xé áo mình, lấy bụi
phủ đầu để tỏ bày lòng từ bi của mình. Họ không biết nói gì hơn vì tôn
trọng Job, và thinh lặng ngồi nhìn trong bảy ngày bảy đêm. Đây hẳn là mẫu mực
tuyệt vời của tình đồng loại đối với nhau. Nhưng trong câu truyện, chính tình
yêu giữa người với người mà thôi, sự an ủi dựa trên suy luận con người dẫu
là bạn bè thân thiết nhất, những lý chứng bênh vực cho Thiên Chúa do con
người…, thì tất cả những điều đó lại là dụng cụ tinh vi mà Satan có thể dùng để
thách thức Tình yêu vô cầu vào Thượng Đế của Job.
Sau phần văn xuôi vừa lựợc qua, ta sẽ đọc những lời đối thoại bằng
thơ. Phần đầu từ chương 3 đến 14. Job lên tiếng đầu tiên, nguyền rủa ngày
ông sinh ra đời:
Hãy chết đi
ngày chứng kiến tôi sinh ra,
Và đêm báo
tin: một bé trai vừa mới được cưu mang! (Jb 3, 3)
Sao tôi không chết đi ngay từ bụng mẹ,
Sao không chết đi khi mới ra đời? (3, 11)
Những nỗi khổ của tôi còn nhiều hơn cát biển (6, 3)
Đó cũng là lời than oán về cuộc đời của một Nguyễn Gia Thiều trong Cung
Oán Ngâm Khúc:
Thảo nào khi
mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra !
(CONK 55 -56)
Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán
Chết đuối người trên cạn mà chơi!
(CONK 73-74)
Bây giờ Eliphaz mới lấy luận chứng về tình trạng có thể phạm lỗi của con
người để biện minh cho sự trừng phạt của Chúa qua đau khổ:
Con người làm
sao có thể công chính trước Thiên Chúa ?
(Jb 4, 17)
Phúc cho kẻ Chúa sửa phạt!
Vì thế nên ngoan ngùi trước bài học của
Đấng Toàn Năng
(Jb 5, 17)
Job lại thêm tức bực về lối luận chứng này, ông tiếp tục than oán:
Tôi vẫn cứ
nói trong nỗi dằn vặt của trí tôi,
Tôi vẫn oán
than trong nỗi chua cay của lòng tôi (Jb 6, 11)
Bildad giận thái độ của Job nên lên tiếng:
Hãy truy cứu thế hệ đã qua
Hãy suy ngẫm về kinh nghiệm tổ tiên đời
trước (Jb 8, 8)
Không, Chúa không từ rãy kẻ công chính
Ngài không giúp cho kẻ ác nhân
(Jb 8, 20)
Câu trả lời của Job là chuyện đó ông đã nghe rồi:
Thật ra, tôi biết hẳn là như thế:
Làm sao con người lại có thể có lý trước
Thiên Chúa (Jb 9, 2)
Nhưng, tôi
vẫn cứ bảo vệ trường hợp của tôi,
Tôi vẫn chọn
luận chứng của tôi để chất vấn Ngài ( Jb 9, 14)
Ôi ! tại sao
Ngài cho tôi sinh ra từ bụng mẹ?
Tôi chết đi
là xong, bấy giờ có ai thấy được tôi.
Tôi sẽ như
chưa bao giờ có
Vì từ bụng mẹ, người ta đã chôn
tôi (Jb 10, 18-19)
Trước những lời này, Cophar đành phải phân biệt cho Job rõ rằng, nếu Job
nói mình trong sạch, vô tội, thì hãy thử hỏi đã hiểu hết sự khôn ngoan Thiên
Chúa chưa: chỉ có sự khôn ngoan vô tận của Ngài mới hiểu được các lỗi của Job.
Nên Job hãy từ bỏ lỗi lầm và cầu xin Ngài, tương lai mọi sự sẽ tốt đẹp. Nay hãy
quên thử thách đi xem như chuyện tương đối xảy ra trong chốc lát.
Job càng gay gắt thêm:
Thật, đúng là
các ông là tiếng nói của quần chúng,
Và sự khôn
ngoan đó sẽ cùng chết đi với mấy ông (Jb 12, 2)
Tất cả điều đó, mắt tôi đã thấy,
Tai tôi nghe và tôi vẫn hiểu.
Tôi cũng ý thức được như qúi ông,
Tôi không có gì phải nhường qúi ông
trong các luận chứng đó
Nhưng tôi phải nói với Đấng Toàn Năng
Tôi muốn chất vấn chính Thiên Chúa
Các ngài chỉ là thầy lang băm
Lũ thầy thuốc đoán mò bậy bạ!
(Jb13, 1-4)
Và câu chất vấn Job
nêu lên là:
Hỡi Thượng Đế tại sao che mặt
Và xem tôi như kẻ thù Ngài!
(Jb 13, 24)
Qua phần này, nếu Job ngừng lại một trong những luận chứng của ba người bạn
thân, hẳn Satan sẽ vui mừng khi tình yêu của Job, sự trung tín với Thiên Chúa,
kỳ cùng cũng chỉ để được phần thưởng nào đó cho mình. Hơn nữa mặc khải về Thiên
Chúa cũng không khác gì luận chứng nhân quả của lý trí của quần chúng nhân
gian.
Qua đến phần hai, ba người bạn cũng cố đi sâu vào luận chứng về tôn giáo.
Eliphaz cho rằng nếu nói như Job, thì cả nền luân lý, đạo đức nhân loại
không còn:
Ngươi phá hủy
lòng đạo hạnh,
Đạp bỏ sự suy
niệm trước Thiên Chúa (Jb 15, 4)
Ông khuyên Job hãy nghĩ cho cùng vì ngay mang thân phận làm người, thì con
người vốn đã phạm lỗi:
Làm sao con
người có thể trong sạch
Làm sao nó
sống ngay chính được,
Khi là con đẻ
của phụ nữ trần gian? (Jb 15, 14)
Job không nhường chút nào:
Vâng, Chúa đã
bất công đối với tôi,
Ngài đưa tôi
vào lưới bẫy của kẻ ác (Jb 16, 11)
Và, tôi, nào
tay tôi đã làm gì tàn ác,
Và lời cầu
xin của tôi luôn trong sáng kia mà! (Jb 16, 17)
Đến đây Bildad mới lấy một luận chứng thực tiển để nói với Job: Có phản
kháng cũng vô ích không làm gì chống lại với định luật của sự công chính của
Chúa. Job trả lời cho các bạn: Các vị cứ luận tội tôi. Còn Chúa thì bỏ rơi tôi:
Tôi kêu oan Ngài chẳng trả lời,
Tôi kêu cứu, Ngài không phân xử,
Ngài đã ngăn tường cao chận đường tôi,
Bủa vây lối đi của tôi bằng bóng
tối (Jb 19, 7-8)
Xã hội ruồng rẫy tôi:
Anh em tôi mặc tình xa lánh,
Người thân tôi trốn bỏ đi đâu!
(Jb 19, 13)
Hẳn ta thấy những lời than oán của Job không khác những lời mô tả đầy bi
quan của Jean-Paul Sartre về sự tương giao giữa người và người, giữa người và
Chúa. Nhưng Job khác với Sartre ở câu này:
Tôi biết Đấng
bênh đỡ tôi là kẻ hằng sống,
Người là kẻ
cuối cùng sẽ xuất hiện trên trần gian,
Người sẽ đánh
thức tôi,
Và dẫn tôi
đến gần Người,
Và mắt trần
của tôi sẽ nhìn thấy Chúa (Jb 19, 25)
Cophar không hiểu gì lời nói kỳ lạ đó của Job, ông tiếp tục luận chứng:
Ngươi không
biết, là trong mọi thời đại,
Từ khi có con
người nơi trần thế,
Nỗi vui kẻ ác
đâu có dài ngày,
Và hân hoan
của kẻ vô đạo chỉ là một thoáng qua đi ? (Jb 20, 4-5)
Job quay ngược lại luận chứng của Cophar: Không phải vậy đâu!
Tại sao kẻ ác
vẫn mãi sống còn
Họ còn già
lão nữa là, và quyền uy càng lớn?
Hậu duệ càng
đông sống thời của họ,
Và con cháu
luôn mãi vẫn cứ đầy đàn ... (Jb 21, 7-8)
Đến đây dường như ta dễ đi
vào cơn cám dỗ của một Zarathoustra của Nietzsche, muốn thấy toàn cả
trời đất chỉ là một trò đùa vô nghĩa, và mạnh ai muốn làm gì thì làm; hoặc cam
phận như người cung phi của Nguyễn Gia Thiều :
Thôi thôi ngoảnh mặt làm thinh,
Thử xem con tạo gieo mình nơi
nao? (Jb 131-32)
Nhưng không, cuộc đối thoại của Job vẫn tiếp diễn ở phần ba. Eliphaz khuyên
Job hãy thực tế và ngoan ngoản.
Nầy, hãy làm hòa với Chúa đi,
Và Ngài sẽ trả hạnh phúc lại cho ngươi
(Jb 22, 21)
Job vẫn nhắc lại những nan giải về mâu thuẫn của hiện sinh: kẻ ác vẫn hoành
hành trong lúc Ngài cứ che mặt :
Vì bóng tối
như che khuất tôi,
Đêm đen không
cho tôi thấy Ngài hiện diện (Jb 23, 17)
Và Chúa như
làm ngơ trước lới than oán của tôi (Jb 23, 12)
Và trước lời này, Bildad tìm một cách khác là giống lên lời ca tụng Chúa
sáng tạo vũ trụ.
Trong cơn đau, Job tự hỏi không biết mấy người bạn ông đang nói với ai về
những điều đó. Ông nhắc lại cho họ hay:
Tôi không thấy các ông ở trong chân lý
Cho đến hơi thở cuối cùng tôi vẫn nói
mình vô tội (Jb 27,5)
Cuối cùng Cophar như cạn lời không còn luận chứng nào nữa, nên đưa ra luận
chứng cổ điển về sự siêu việt của ý Chúa và sự ghê rợn của hình phạt Chúa giáng
cho kẻ ác. Để kết luận ông nhắc lại:
Sự kính sợ Thiên Chúa: đó là khôn ngoan
Tránh điều ác, đó là trí tuệ
(Jb 28,28)
Job trả lời:
Tôi đã làm như thế, hơn nhiều người nữa
là đàng khác:
Tôi đã tự nhủ: tôi sẽ chết trong niềm
hãnh diện,
Sau chỗi ngày dài như cây dừa
già (Jb 29, 18)
Nhưng không phải vậy, thực tế là tôi đau khổ, mặc dầu tôi đã xả thân cứu
đời, theo ý Chúa.
Ôi, làm sao để Chúa nghe tôi?
Tôi đã nói hết: nay trời cao hãy trả lời
(Jb 31, 35)
Đến đây, (dường như bản văn đã được một nhà giải thích nào thêm
vào), ta có lối giải thích của Elihu, một nhà thần học trẻ, tự xưng mình có
thần khải dặc biệt. Ông dong dài lập lại những luận chứng cũ, và cho rằng Job
sở dĩ sai lầm vì thiếu sự hiểu biết:
Job bấy giờ mở miệng nói vu vơ
Vì ngu đần mà tiếp tục lảm nhảm (Jb 35,
16)
Chúa không bỏ người ngay chính
Và không để kẻ ác hoành hành (Jb 36,
5-6)
Có một thời ánh sáng trở nên không thấy
được,
Vì mây mờ che khuất đi;
Sau đó gió thổi đuổi mây biến,
Và tử bắc phương ánh sáng lại rực
lên (Jb 37, 21-22)
Có lẽ đây là bản văn thêm thắt vào sau đó, không có một điểm nào mới lạ về
tư tưởng.
Đã đến lúc
Thiên Chúa trả lời Job.
Thiên Chúa trả lời Job bằng
cách cho thấy giới hạn của Job và quyền uy của Ngài thể hiện ra trong vũ trụ.
Thiên Chúa nhắc nhỡ Job về thân trạng của Job trong tương giao với Ngài. Ở đây
nếu không đi vào nội dung của câu trả lời của Job:
Con chỉ biết Ngài qua người ta kể,
Nhưng nay mắt con đã
thấy Ngài (Jb 42, 5)
thì câu trả lời của Giavê có thể được xem là một lối lặp lại luận chứng của
ba người bạn Job và Elihu. Điểm chính là sự cảm nghiệm của chính Job. Tình yêu
đối với Thiên Chúa không dựa trên luận chứng ngoại tại, nhưng trong cảm nghiệm
chính Ngài, lúc ấy mới thấy công việc của Ngài. Và điều đó sẽ giải thích
câu nói sau đây của Chúa:
Sau khi nghe
Job trình bày như thế, Giavê nói với Eliphaz xứ Téman: "Ta nổi giận với
ngươi và hai bạn ngươi, vì các ngươi đã không nói về ta cho phải lẽ như đầy tớ
ta là Job đã làm" (Jb 42, 7)
Cuốn sách Job có lẽ làm cho nhiều người thất vọng. Thất vọng trước hết là
vì từ bài học về đau khổ, những luận chứng thông thường về đạo đức, tôn giáo
xem ra đảo lộn; những lý chứng tự nhiên về nhân quả một phần nào đó biện minh
cho luật pháp, tập tục, tạo trật tự xã hội lại không được xem trọng ở đây. Hơn
thế nữa, câu trả lời của Thiên Chúa cũng không trực tiếp giải thích về căn do
của đau khổ.
Thiên Chúa không trách cứ những câu thắc mắc, chất vấn của Job, vì đây là lời
kêu lên thành khẩn từ cơn đau: Thiên Chúa ở đâu, tôi tin Ngài, nhưng tại
sao Ngài che mặt. Vì đòi hỏi đó chính đáng: vì chỉ có thể yêu Ngài
khi thấy được đó là chính Ngài chứ không phải một hình tượng nào về Ngài do con
người đúc nắn ra, dẫu con người đó thiện chí mấy đi nữa. Tình yêu của Thiên
Chúa đòi hỏi không những trong sáng, vô cầu, vô vị lợi, nhưng phải hướng đến
chính Ngài. Trong câu truyện, có hai đoạn, một ở câu nói của Job xem ra
xuất thần:
Tôi biết kẻ
bênh đỡ tôi là Người hằng sống
Người là kẻ
cuối cùng sẽ xuất hiện nơi thế gian (Jb 19, 25)
và đoạn hai :
Nay, mắt tôi
đã thấy Ngài (Jb 42, 5)
Hai nội dung này được nêu lên như một đòi hỏi quá mức của thân phận con
người. Do đó về mặt tiêu cực, ta biết được ý nghĩa của khổ đau con người không
thể giải thích được, phải đợi đến khi mắt thấy. Và đây là điểm cao của sách
Job; nó mở ra cho thấy một nỗi khổ khác cùng cực hơn: Khổ vì sự khao khát mong
nhìn thấy, gặp gỡ chính Thiên Chúa. Ta thấy nỗi khổ đó trong câu nói đầu tiên
của Augustinô trong cuốn Confessiones:
Lạy Chúa,
Chúa đã dựng nên chúng con để hướng về Ngài, và tâm hồn chúng con khổ (bất an)
cho đến khi ngơi nghỉ trong Ngài ( Conf. I, 1)
Khổ
nạn của Chúa Kitô
Job được các nhà thần học Kitô giáo xem là hình ảnh Chúa Giêsu Kitô. Con
người hoàn toàn công chính đã nhận chịu đau khổ của kiếp người, khổ cùng cực.
Và Con người đó cũng đã thấy Thiên Chúa, là kẻ đã được sách Job gọi là
Đấng Bảo Vệ sẽ xuất hiện trên trần thế.
Mặc khải Kitô giáo
xác quyết chính Đức Kitô là sự đau khổ, khi mang lấy thân phận nhân loại.
Trước hết hãy đọc lại các trang đầu của sách Sáng Thế, thời gian gắn liền
với sự chết đến với con người khi con người muốn biết được điều lành điều
dữ. Thời gian đó cũng là sự khuất mặt của Thượng Đế. Nỗi khổ cuộc đời để
sống còn là máu trong sự sinh đẻ của đàn bà và mồ hôi trên trán trong
lao động của đàn ông [5].
Đức Giêsu Kitô, khi nhập thể làm người Ngài mang trọn thân phận
khổ đau của con người trong thời gian. Luca kể lại : "Trong cơn khổ,
Ngài cầu nguyện một cách khẩn thiết hơn, và mồ hôi Ngài đã trở thành như những
giọt máu rơi xuống đất" (Lc. 22, 44).
Và nỗi khổ của Ngài là gì, mà Ngài phải đổ mồ hôi máu, và khẩn thiết xin
Cha Ngài:
Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất
chén đắng này cho con! Nhưng, xin đừng theo ý con nhưng hãy theo ý
Cha! (Lc. 22, 42)
Nỗi khổ đó được Mar-cô và Mat-thêu ghi lại trong câu nói của Chúa Kitô:
Lạy Chúa Thiên Chúa tôi, lạy Thiên
Chúa tôi, tại sao Ngài đã bỏ tôi? (Mt 27, 46; Mc 15, 34)
Phần Gioan, thì ghi
lại câu nói của Chúa:
Ta khát (Gioan 19,
28)
Sau câu nói lạ
lùng đó, Chúa nói:
“Mọi sự
hoàn tất". Ngài đã gục đầu và tắt thở (Gioan 19,
29)
Đây là ý nghĩa trọn vẹn của thời gian gọi là "Khổ"
mà Đức Kitô mang vào thân Ngài. Khổ là nỗi khát khao vô tận chính Thiên
Chúa, và trong nỗi khát khao đó cảm nhận sự vắng bóng của Ngài.
Đây cũng là nỗi khổ mà các nhà thần học gọi là Ngài đã đi vào địa ngục của
thời gian, nỗi tăm tối cùng cực nhất khi cảm thấy Thiên Chúa bỏ rơi.
Và với cái chết, Đức Giêsu Kitô đã trọn công tác làm người để gặp chính mặt
Cha Ngài trong vinh quang khi Ngài được Thiên Chúa Cha làm sống lại.
Đây không phải là sự giải thích thuần lý về khổ, đây là sự thực hiện
nỗi khổ tột cùng của kiếp người. Qua nỗi khổ đó, con người nhận ra cuộc sống
của mình thực ra là mối tương giao với một Kẻ Khác, đó là Thiên
Chúa, và từ đó với những người khác. Tương giao đó là tình yêu không đòi hỏi
một cái gì cho mình, nên cũng không bực tức phải mất cái gì nơi mình. Kẻ khác
không phải là hỏa ngục, sự đe dọa làm tự thân ta phải mất đi, như Nietzsche,
Marx, Jean-Paul Sartre cũng như con người vị kỷ ngày nay lập luận. Nhưng
thiếu vắng kẻ khác vì cái ngã của ta đã đặc dày thì bấy giờ đúng là hỏa
ngục tuyệt đối, nơi mà con người không phải chịu đau khổ, nhưng đến bước khốn
cùng vì đã hết cảm xúc về cái khổ cứu độ mất rồi!
_____________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét