30/11/14

Cuộc chiến làm người: Bản kịch OEDIPE-VUA Của SOPHOCLE


CUỘC CHIẾN LÀM NGƯỜI
BẢN BI KỊCH  OEDIPE-VUA  CỦA SOPHOCLE

Nguyễn Đăng Trúc

Trong bản bi kịch Oedipe–Vua, Sophocle không còn mượn những nhân vật thần thoại để diễn tả thân phận của con người, nhưng sử dụng những nhân vật hầu như hiện thực của cuộc sống xã hội của thành Nhã Điển[1] (vào thế kỷ V trước công nguyên).Và cuộc chiến làm người càng được đưa gần với cuộc sống hiện thực (nhất là phải tiếp cận với trào lưu những nhà thông thái ngụy biện đang bùng lên[2] ), thì những lý chứng về nền tảng căn cơ của đôi bên về ý nghĩa nhân tính lại càng được nêu lên để biện minh.

Sinh hoạt của thành Nhã Điển lúc bấy giờ đang chuyển qua một bước ngoặt mà các tác giả bi kịch không phải là những người làm phát ngôn cho nền văn hóa đang phổ biến; nhưng  ngược lại, họ là những tiếng nói bên lề lịch sử nhắc nhỡ con người đương thời về nguy cơ quên lãng ý nghĩa nhân tính trong khung cảnh văn hóa của thời đại mà họ đang sống. Bước ngoăït của văn hóa mà các nhà bi kịch Hy-lạp đặt thành vấn đề đó là nền văn hóa homo sapiens mà trào lưu ‘khôn ngoan’ tôn vinh : Con người ‘khôn ngoan, thông thái’ mà Platon sau đó sẽ trình bày rõ nét trong các tác phẩm của ông qua các nhân vật được Socrate gọi là những kẻ ‘tài trí’, đặc biệt là Protagoras.  Con người ở đây được nhận ra qua nét cá biệt giữa muôn sinh vật như là loài biết nói. Và lời nói được hiểu là « đo lường các sự vật » và gọi tên chúng. Từ xác tín về nét cá biệt chung của những sinh vật gọi là người nơi khả năng « đo lường sự vật » như thế, con người đã có được nền tảng công lý trong tay để xây dựng được cộng đồng dân chủ thành Nhã Điển. Mối liên hệ giữa GaiaThémis, giữa khả năng đo lường sự vậtcông lý xây dựng cuộc sống chính trị công dân đã được Eschyle đặt vấn đề trong Prométhée bị trói. Đến giai đoạn bản bi kịch Oedipe–Vua ra đời, 30 năm sau kể từ khi có bản kịch Prométhée bị trói, Nhã Điển vừa chứng kiến một nếp sinh hoạt dân chủ được tổ chức hoàn bị hơn với những kiến thức sự vật tiến xa hơn, nhưng cũng vừa phải đương đầu với những rối loạn xã hội và thiên tai nặng nề hơn. Lời cảnh giác của nhà bi kịch Sophocle (xuyên qua hình ảnh con người hiểu biết Oedipe, là cha một nhân loại mới, là chủ một xã hội mới và cũng là nguyên cớ của tội ác và  khổ đau, là kẻ khốn cùng hơn cả [3]) được gióng lên như lời thách đố tối hậu có liên quan đến sự mất còn của ý thức con người về chân tính của mình.

1 - CUỘC CHIẾN GIỮA CHÂN LÝ VÀ LÀ TỰ THÂN

1-  a/   Cuộc chiến làm người

Từ lối hành văn rất đặc biệt [4] của thể văn bi kịch cũng như từ những kinh nghiệm cá nhân[5] của tác giả và hoàn cảnh lịch sử của thành Nhã Điển vào buổi đương thời, đến lối đặt vấn đề một cách rốt ráo về nhân tính, bản văn Oedipe Vua thường được xem là bản văn tiêu biểu cho tư tưởng bi kịch Hy-lạp. J.P. VERNANT và  P. VIDAL-NAQUET  từng nhận xét :

« Lời nói song nghĩa không phản ảnh bản ngã tâm lý nhị trùng nơi Oedipe, một con người rất bình thường, nhưng sâu xa hơn đó là vấn đề hai cảnh vực đối đầu nơi nhân tính. Oedipe có hai khuôn mặt. Tự nơi ông đã là một bí ẩn mà ông chỉ đoán ra được ý nghĩa dần hồi nơi mặt trái của bất cứ việc gì mà ông đã tin và sống qua».[6]

Từ ý nghĩa từng chữ OedipeVua, đến sự liên kết giữa hai chữ nầy làm thành tựa đề bản bi kịch, tất cả đều hàm ngụ những sự đối kháng, mâu thuẩn. Oedipe – Vua là thân trạng của con người tự đánh giá là văn minh của Thành Nhã Điển, con người tự xem mình vượt hẳn mọi người về hiểu biết, quyền uy và danh tiếng ; nhưng đó cũng là con người quên lãng tư tưởng, chân lý và nhân tính của mình như  Socrate[7] từng nêu lên trong phiên tòa xử tử hình ông. Nhưng vượt lên bối cảnh giới hạn của lịch sử, Sophocle muốn đặt vấn đề về thân phận chung[8] của con người mang nghiệp tự thân qua hình ảnh Oedipe Vua : vừa tự hào nắm ánh sáng hiểu biết mọi sự trong tay, nhưng vừa mù tối không biết đến lý lịch tức là những tương quan kết dệt nên nhân tính.

Oidipous :

-   Oidi gợi lên hình ảnh của tài trí con người : Oidabiết [9]. Pous là chân để bước đi, là hình ảnh con người đang thể hiện nhân tính của mình, là Đạo, là « con đường » mà hầu như ngôn ngữ của bất cứ nền văn hóa nào cũng dùng để diễn tả phân vụ hoàn thành nhân tính của mình. Oidipous, nhờ ánh sáng của tài trí và quyền năng chế ngự mọi sự, đã tự định nghĩa nhân tính của mình trong khuôn khổ của ánh sáng và tài năng đó. Tác động tự mình làm ra nghĩa của nhân tính cho mình (đi liền với việc lãng quên mối tương giao ẩn kín làm nên lý lịch căn nguyên của mình) làm phát sinh tương quan mới (= một hôn nhân không phải là hôn nhân), một thời mới, một nhân loại mới vâng theo ý muốn độc tôn của con người hiểu biết.

- Nhưng Oidos còn có nghĩa là bị sưng, bị thương tích, bị khổ đau và bị bỏ rơi nơi vùng đất xa lạ : (v. 713-714 , Jocaste : ...Đứa bé vừa sinh ra, chưa đủ ba ngày, thì Laios đã  cột chân, vất nó trên một núi đồi hoang vu[10]). Ánh sáng của người mù, ánh sáng mà người khôn ngoan Oedipe không biết và hơn thế nữa không muốn chấp nhận, sẽ chỉ cho Oedipe con đường hướng về quê thật, nguồn sống thật nơi ‘hôn nhân cũ’ làm nên mình : Tirésias : ...Ta vốn là kẻ khôn ngoan dưới con mắt của  những kẻ sinh ra ngươi [11]  ...Tội nhân giết Laios mà ngươi tìm ...là người hiện diện ở đây...., người ấy sẽ ăn mày, và quờ quạng bước đi tìm đường với chiếc gậy, và lưu lạc nơi xứ người [12].

Tyrannos

Oedipe vốn thuộc hoàng gia nơi quê thật của mình, con của Laios và Jocaste, nhưng Oedipe không hề biết. Oedipe hiện tại (= theo sự hiểu biết nơi khả năng trước mắt của ông) lại là con của vua Polybe[13] và hoàng hậu  Mérope, vua chúa xứ người, và chỉ là cha mẹ nuôi.

Oedipe là vua thành Thèbes: thầy cả của Thèbes gọi Oedipe là đấng tối cao (kratunwn[14]) y như danh hiệu mà dân chúng qua ca đoàn từng xưng hô Zeus là kratunwn[15], là đấng cứu độ  (swthr[16], cứu dân thoát khỏi ôn dịch như đã cứu dân thành Thèbes khỏi sự quấy phá của Nhân-sư ), là người mang ánh sáng trí tuệ của mình để tìm kẻ sát nhân và phân xử (egw janw[17]). Nhưng người mù Tisérias (mà Oedipe coi là chỉ sống từ cõi tối tăm[18]) sẽ khai mở cho Oedipe thấy mình không là gì cả (là ngộ không = ta chỉ thấy ngươi là số không[19]), là một kẻ sát nhân[20], là người làm ô uế [21]thành Thèbes, một kẻ tệ hại nhất[22], khốn khổ nhất trong mọi người [23], một kẻ thần thánh xa lánh ghét bỏ[24] và phải bị lưu đày biệt xứ[25](= apoliz).

Mỗi một chi tiết trong toàn bộ bi kịch là mỗi một cuộc xung đột, loại trừ nhau. Nét đặc trưng của hình thức văn chương bi kịch Hy-lạp trong lối nói song nghĩa nầy gắn liền với cách đặt vấn đề về ý nghĩa nhân tính đúng như nhận xét của J.P Vernant và P. Vidal – Naquet :

« Qua lối luận luận lý nói ngược liên quan đến lối suy tư song nghĩa đặc loại của bi kịch, một lối nhắn nhủ riêng đề nghị cho khán giả : con người không phải là một hữu thể có thể mô tả hoặc định nghĩa; con người là một vấn đề, một bí ẩn mà không bao giờ ta giải mả được các ý nghĩa đôi đường của nó. Ý nghĩa của tác phẩm không nằm nơi khuôn khổ tâm lý hay đạo đức; nó nằm trong khuôn khổ đặc loại của tư tưởng bi kịch »[26].

Ý nghĩa của các tác phẩm bi kịch và cũng là nghĩa của nhân tính không gì khác hơn là cuộc chiến không giây phút nào ngơi nghỉ, không thể có hồi kết như chiếc cung luôn căng lên [27] ;  cuộc chiến đó là sự sống của nhân tính, là nghĩa[28] tức là nhà nơi cư ngụ (hqoz) của con người. Tư tưởng bi kịch phản ảnh nghĩa của nhân tính qua ước vọng tối hậu của ca đoàn đại diện cho tiếng nói của cộng đồng nhân loại khi chứng kiến bước đường cùng của người tài trí :

« ... Tôi cầu xin Thần Thánh đừng bao giờ  để cuộc chiến vinh quang đem lại sự sống cho nhân quần phải  ngưng nghỉ.. » [29].

1  b/   Cuộc chiến không tương nhượng giữa chân lý và tự thân

·   Nghĩa làm người ở ngay trong cuộc chiến giữa tự thân và chân lý

Để diễn tả nét đặc trưng của sức sống hay nghĩa của nhân tính trong « cuộc chiến vinh quang đem lại sự sống cho nhân quần », Sophocle cho thấy thực tại mang dấu tích bi kịch là thực tại của giao điểm giữa hai con đường[30], nơi ấy chân lý hoặc vô chân sẽ loại trừ nhau . Con đường Oedipe đang đi để tự mình hành đạo sẽ gặp con đường Laios là nguồn ban sự sống cho Oedipe, nhưng nơi gặp gỡ là nơi Laios và Oedipe tương tranh và một trong hai phải chết :

Oedipe : «  Trên đường tôi đang đi, ngay khi tôi đến gần giao điểm giữa hai con đường, một người dẫn đường, tiếp đó là một người ngồi trên xe có ngựa kéo giống hệt như người mà bà mô tả, đi đến đối diện tôi.. Người dẫn đường và chính ông lão tìm cách đẩy tôi lui. Tôi nỗi giận đánh ngay người dẫn lối muốn hất tôi khỏi đường tôi đang đi. Nhưng ông già thấy tôi, ông đợi lúc tôi đến gần, cạnh xe ông, ông quất roi đập hai cái ngay trên đầu tôi. Ông ấy trả giá đắt về cử chỉ ấy ! Trong chốc lát, tôi dương gậy đánh trúng ông, làm ông ngã xuống xe và lăn trên đất – và tôi giết hết mọi người... »[31]

Con đường khai lối về lý lịch chân thật cho con người đang ở trong nghiệp lãng quên, con đường ẩn kính và chỉ ghi dấu tích nơi khổ đau (đầu người hiểu biết trong ánh sáng ban ngày bị đánh mỗi lần tiếp cận với căn nguồn mà mình không thể biết), con đường hiện diện gần gũi nơi cảm thức vắng bóng và xa cách, nơi khả năng lắng nghe được lời khước từ mọi hình thái của tự thân là chân lý (Laios chận lối đi của Oedipe): con đường ấy không phải là con đường song song, con đường nối dài, phóng đại con đường của Oedipe đang đi . Và con đường Oedipe đang đi cũng không phải là hình ảnh thu nhỏ, một lối mô phỏng con đường của sự thật bị lãng quên. Hai con đường nầy đang giao chiến một mất một còn và loại trừ nhau[32].
Nghĩa của nhân tính, sức căng thẳng của sự sống vinh quang làm người đối với tư tưởng bi kịch là cuộc chiến giữa ngã ba đường nầy, là thời nguyên sơ và chung mãn theo nghĩa là thời của chân tính con người, là thời « đồng thời đang giao chiến, đồng thời mâu thuẩn nhau ». Mỗi một tình tiết trong bi kịch Oedipe-Vua hàm ngụ thời đang giao chiến giữa hai thời, giữa hai mối tương quan mà Sophocle dùng hình ảnh hôn nhân thật và hôn nhân giả để gợi ý.

-          Từ khởi nguyên, sấm ngôn đã cho hay ‘số phận Laios là phải chết dưới tay của một người con trai do ông và Jocaste sinh ra’[33]. Nhưng cũng từ khởi nguyên (khi Oedipe mới sinh), Laios đã ‘trói chân Oedipe và bỏ rơi trong một đồi núi hoang vu’[34] xa lối mòn của con người để Oedipe nhớ đến lý lịch của mình và tránh tội giết cha, đi vào con đường lầm lạc.
-          Nơi Thành Corintô, quê của cha mẹ nuôi Polype và Mérope, vùng đất trời của khả năng hiểu biết trong tầm tay con người, Oedipe lần đầu tiên thoáng nghe một lời nói bất ngờ của một người say (ở ngoài vòng khôn ngoan của lý trí) và một lời thần mộng từ bên kia bờ:

Oedipe : ... Một người say ‘gọi tôi là đứa con nuôi’[35], ...Thần Phoebos ứng cho hay : tôi sẽ chung giường với mẹ tôi, làm ra một giống tộc ghê tởm ; tôi sẽ là kẻ giết cha là kẻ sinh ra tôi.[36].

Nhưng vừa khi tiếng sét kinh hoàng thức tỉnh con người về thân phận thật của mình, tiếng sét như lời xa lạ dấy lên điều đáng suy nghĩ mà chưa thời nào của con người từng suy nghĩ ..., thì ngay khi tiếp cận con người, nó đã bị biến thể thành lời con người trong nghiệp lãng quên chân tính của mình.  Tiền kiến Polype là cha, Mérope là mẹ, Corintô là quê thật như đã là một nền tảng kiên cố, một sự hiển nhiên do từ ánh sáng duy nhất mà con người sẳn có trong tay để hiểu biết, nghĩa là để tiếp cận mọi sự. Với ánh sáng hiểu biết nầy, Oedipe truy vấn cha mẹ nuôi trước mắt để biết về thân thế mình; và cũng với ánh sáng nầy Oedipe quyết định lìa quê Corintô để bảo toàn sự thiện hảo khi quê hương ấy được đánh giá là một nguy cơ gây ra sự ác. Con đường tìm kiếm lý lịch của mình, con đường nỗ lực hy sinh ngay cả từ bỏ quê nhà mình để khỏi vi phạm công ly..., toàn bộ những con đường của con người hiểu biết Oedipe ấy vốn đã ở trong con đường lạc lầm.
-          Cuộc chiến còn được mô tả là gay gắt và bất tương dung hơn cả nơi cuộc xung đột loại trừ nhau ở ngã ba đường, nơi Oedipe lần duy nhất gặp Laios và cũng là lần kết thúc sự sống của căn nguồn của mình. Trên bước đường phiêu lưu tìm đạo của mình, Oedipe lại bị chận lối bất ngờ ở một ngã ba đường. Kẻ mà Odipe gặp là Laios đã vung roi đánh vào đầu Oedipe, ngăn cản bước chân Oedipe. Nhưng Oedipe lại vung gậy giết kẻ sinh ra mình mà không hay[37].
-          Ngã ba đường, thời xung đột bất tương dung ấy cũng được diễn tả rõ nét trong mối liên hệ giữa Oedipe và Jocaste. Vừa sinh ra Oedipe trong thân phận làm con, thì buộc phải xa Mẹ Jocaste. Đến lúc gặp và sống chung được  với Jocaste, thì cùng lúc đó Oedipe đã biến Mẹ Jocaste thành vợ của mình. Và cuối cùng, giây phút  Oedipe nhận ra Jocaste là mẹ thì cũng là giây phút Jocaste chỉ còn là một xác chết.

·                Chân lý xuất hiện nơi lời phủ định tự thân

Cuộc chiến bất tương dung (là điều mà lối nói thi ca của các nền văn hóa thường gọi là Mệnh) hàm ngụ lời phủ định nhau, một sự bó buộc không thể tránh né, một cảm thức đau thương. Những nội dung như  Mệnh, Hư Vô, Khổ liên quan đến  nghĩa nhân tính trong tư tưởng bi kịch chỉ có thể hiểu trong khuôn khổ của cuộc chiến làm người nầy.
Hai con đường, hai cuộc hôn nhân hay hai mối tương quan (hoặc tự thân hoặc chân tính), không hứa hẹn một tổng hợp nào . Trái lại trong nghĩa của nhân tính, toàn bộ và mỗi giây phút của con người là thời đồng thời của cuộc chiến đau thương , đôi bên triệt để phủ định nhau. Sophocle diễn tả nghĩa của nhân tính bi thương đó trong cuộc đối thoại giữa Tisérias, phát ngôn cho chân lý và người hiểu biết Vua Oedipe :

Tisérias: Dưới mắt ngươi ta là kẻ khờ chăng ? Thế nhưng ta vốn là một kẻ sáng suốt dưới con mắt của những kẻ sinh ra ngươi ?
Oedipe : Những kẻ nào sinh ta ? Ông phải nói rõ. Ta là con của ai ?
Tisérias : Thời mà ngươi sinh thì cũng là thời mà ngươi chết
Oedipe : Ngươi chỉ giỏi dùng lời mù mờ, bí ẩn...[38]

Nghĩa con người bị buộc vào hai thời : thời con người tự xuất lộ đi liền với nghiệp quên lãng lý lịch thật của mình và thời bước chân con người bị đập gãy, bấy giờ dấu tích chân tính sẽ nhận ra nơi khổ đau.
Nhưng thời của cuộc chiến bất tương dung làm nên sức sống con người ấy, không thể nào Oedipe, vốn đang bị buộc trói với thời của ánh sáng ban ngày (jusei) nơi con người hiểu biết, có thể  tiếp cận được. Toàn bộ thời của ánh sáng ban ngày với những hình thái động tĩnh, sống chết, chủ động hay thụ động ..., tự nơi nó, là một sự quên lãng triệt để, một lời phủ định căn nguyên thời của cuộc chiến làm người.

Trong bản văn  Prométhée bị trói của Eschyle, Prométhée kể công lao của con người hiểu khởi đầu bằng việc hạ bệ Thần Thời Gian Cronos và xóa được nỗi kinh hoàng của sự chết nơi tâm thức con người. Thời gian lịch sử tiến bộ của nhân loại văn minh được Prométhée mô tả sau đó, ở ngoài thời của nhân tính  Cronos.
 Sophocle qua bản bi kịch Oedipe – Vua , ngay ở phần dẩn nhập, đã mô tả vinh quang và quyền uy tối thượng của lý trí đối diện với một khổ đau, một nguy cơ mà căn do ở bên ngoài mọi tiên liệu của lý trí nầy. Căn do không tìm ra hoặc bị lãng quên là vì có sự hiểu lầm căn nguyên được tượng trưng qua lời thách đố của Nhân-sư :

Créon : Nhân-sư với tiến hát đánh lừa, buộc chúng tôi phải bở qua điều mà chúng tôi không biết, để nhìn tai họa trước mắt (mà thôi)[39]

Như lần đầu người say đã nhắc Oedipe về thân thế thật của mình, và lời nhắc nhỡ ấy đã bị ánh sáng của lý trí hiểu biết xuyên tạc ý nghĩa, lần nầy cũng một sự kiện như thế đang lặp lại. Khổ đau của con người, qua hình ảnh tai ương mà dân Thành Thèbes phải chịu, vừa lên tiếng để nhắc nhở tai họa quên lãng nghĩa nhân tính, thì cũng lúc ấy toàn dân Thành Thèbes, từ dân chúng bình thường đến các thầy cả của Zeus đến Oedipe đều chỉ hiểu khổ đau nầy như một điều kiện, một thách đố mà quyền năng lý trí tiền kiến đương nhiên sẽ chiến thắng. Trong ánh sáng của lý trí ấy, Oedipe từng mô tả mình là kẻ phải chịu khổ đau hơn ai hết trên đời :

Oedipe : Tất cả các ngươi khổ đau, ta biết ; nhưng các ngươi khổ đau thế nào đi nữa thì không ai trong các ngươi khổ bằng ta[40].

Oedipe cũng khổ, cũng sai Créon đi hỏi thần thánh[41]... nhưng khổ đau ấy, thần thánh ấy của Oedipe ở trong cái nhìn của ánh sánh ban ngày, và nằm ngoài nghĩa nhân tính, nằm ngoài cuộc chiến căn nguyên.
Ca đoàn trong bản kịch đã diễn tả con người ngoài cuộc chiến, ngoài khổ đau nơi Oedipe hiểu biết như sau :

Ca đoàn : ...Hắn đã từng nhắm đến đích cao tuyệt đỉnh. Từng biến mình làm chủ một vị thế và một hạnh phúc tòan mãn.
Hởi Zeus, hắn từng đánh gục Nữ Thần canh giữ cánh cửa kiên cố. Hắn từng hiên ngang đứng trước thành chúng ta như một đồn lũy ngăn chận sự chết.
Và vì thế, hởi Oedipe, ngươi được tuyên dương là vua của chúng ta, đã nhận những vinh quang cao cả nhất, đã trị vì trên thành Thèbes uy hùng[42].

Thực tại con người xuất hiện ra trước mắt (jusei) thì đã là thực tại của Oedipe hiểu biết, đã trụ vào một hiện tại vững chắc là chính chủ thể Oedipe – Vua ngự trị trên tất cả. Một Oedipe mà là tất cả, mọi tương quan chỉ là tác động tự đóng tự mở, tự sinh tự diệt, tự sa sẩy để rồi tự cứu. Thực tại đó hàm ngụ một cái nhìn xem mọi tương quan khác với tương quan hiểu biết (dựa trên chân lý như là tự thân) là hư vô[43] (o mhden eidwz Oidipouz...) ; chỉ còn ta và những gì vâng theo ý ta là thật.
Đáp lại với lời phủ định của tự thân xem mọi tương quan khác với mình là hư vô, lời chân lý đến với toàn bộ thực tại ấy cũng là lời phủ định dứt khoát :

Ca đoàn : Hỡi các thế hệ con người, ta chỉ thấy nơi các người là hư vô [44].

Hư vô nầy không bao giờ ở trong vòng vi có/không dựa trên chuẩn mực và phán đoán của con người hiểu biết : nó không hề có nghĩa là không hiện hữu, không giá trị, là một yếu tố tiêu cực, một cực điểm đối nghịch với một xác quyết bất chừng nào đó. Hư vô là lời phủ định dứt khoát của chân lý đến với thực tại đang ngũ mê quên lãng con đường của mình, con đường chiến đấu . Hư vô là tác động lật nhào nhà Vua Oedipe, bẻ gãy bước chân của con người đang ung dung bước đi với ánh sáng của đôi mắt kẻ hiểu biết :

Ca đoàn : Bạo hành sinh ra độc tài (=vua).
                Khi bạo hành làm choáng váng, không biết thời của mình, không biết nguy cơ, và khi đã đến mức tuyệt đỉnh, thì bất ngờ lại rơi vào vực thẳm không thể nào tránh được, bấy giờ đôi chân gãy nát đâu còn ích chi ![45]

Hư vô như lời của chân lý phủ định tự thân sẽ ụp đến bất ngờ, nghĩa là ngoài mọi lối thẩm định, ngoài khả năng tiên liệu của toàn bộ khả năng của người hiểu biết. Lời từ khước chân tính nơi bước chân con người hiểu biết ấy là Mệnh.
Mệnh là lời nói bất tương nhượng, là quyền uy tối thượng của chân lý khi xuất lộ ra với lời con người.
Nhân vật Tisérias được tác giả bi kịch Oedipe-Vua cho đóng vai trò làm phát ngôn của chân lý, là lời của Mệnh đối kháng và phủ định lời của oedipe Vua:

Ca đoàn : Có một vị có thể nhận diện (tội nhân) : người ta đang dẫn người thầy bói trung thực, người duy nhất giữa nhân loại, mang sự thật trong mình !’[46]

Sự thật đó xuất lộ giữa thực tại con người qua cuộc tranh chấp bất tương nhượng ; bằng nhiều phương cách giữa, Sophocle diễn tả sự xa cách tuyệt đối, cuộc chiến bất tương nhượng ấy nơi cuộc đối thoại giữa Tisérias với Oedipe .

·         Thinh lặng của chân lý ở trong thế giới của lời con người

Lời của sự thật, lời quyền uy, trước hết xuất lộ nơi sự khước từ dứt khoát đi vào vòng vi của lời con người, ngay cả trước lời thách thức hay van xin, cũng như lời buộc cáo hay phủ định của con người:

Tisérias : Nầy, hãy để ta trở về nhà ta : chúng ta hẳn sẽ ít mang đau thương cho nhau...[47].
Oedipe : ...Chúng tôi tất cả quì đây, dưới chân ông, van xin ông.
Tisérias : Vì các ngươi tất cả không biết[48]...Các ngươi không biết gì từ nơi ta cả[49]...
Oedipe : Như vậy thì nầy ! Trong cơn tức giận, ta sẽ nói đều uẩn ức trong lòng ta. Dưới mắt ta, ngươi là kẻ đã âm mưu tội ác, chính ngươi là thủ phạm – chỉ có điều là ngươi không trực tiếp ra tay thôi. Giá như người có mắt, thì ta có thể nói rằng chỉ có ngươi, một mình ngươi đã làm[50].

·         Chân lý lên tiếng trong quyền uy

Quyền y của sự thật là mệnh lệnh, vì sự thật không tương nhượng bất cứ gì ngoài sự thật nơi mình. Quyền uy ấy im lặïng trước bất cứ thách thức nào từ ý muốn, tài năng của tự thân. Chân lý im lặng hay phủ định tự thân vì không lời nào từ phía tự thân đi vào được tương quan làm nên nhân tính cả. ‘Sự thật ở bên ngoài vòng kềm tỏa của tự thân’, nó là một tương quan khác tự thân, chứ không phải một yếu tố đối nghịch trong cùng loại tương quan.
Bất chấp lời phủ định chân lý nơi lời con người, Tisérias không khai lộ gì về chân lý ngoài lời ‘thinh lặng’ :

Tisérias : Vâng, do quyền uy của sự thật[51]... Ta ở bên ngoài vòng kềm tỏa của ngươi : trong ta có sức mạnh của chân lý [52]
Tisérias : Ta nói rằng chính ngươi là kẻ sát nhân mà ngươi đang tìm.[53]

Tiếp cận hồn của tư tưởng bi kịch Hy-lạp nay được hiểu là ý thức được nền tảng lung lay của tiền kiến về chân lý là tự thân ;  theo lối nói Nhà Phật là ngộ được tiếng không như lời từ chối của chân lý về con ngủ mê của tự thân.

*
*  *

II - Ý NGHĨA NHÂN TÍNH GẮN LIỀN VỚI KHỔ VÀ  CỨU ĐỘ

·   Khổ cứu độ

Thời khổ hoặc ngày hôm nay của kẻ giác ngộ, của kẻ gặp ánh sáng soi dọi lý lịch căn nguyên của mình, được bản văn nhấn mạnh là ở đằng sau hai cánh cửa đóng chặt. Đối với tư tưởng bi kịch Hy-lạp, thời khổ và thấy tất cả đó là thời hoàn thành, thời trọn đầy khai mở ý nghĩa của chân tính. Khổ ấy là cảm ứng uyên nguyên và cũng là bến bờ phải đến . Vấn đề ý nghĩa của nhân tính và dĩ nhiên là của tư tưởng bi kịch chỉ được nêu lên và khai triển trên nền tảng nầy.

Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng tiếng nói của chân lý đến với con người không phải làm cho con người hạnh phúc thêm hay hoàn thành hạnh phúc mà con người đang mong ước ; nhưng chân lý là khổ đến với con người để con người ở trong khổ.

Ở Corintô vấn đề lý lịch của Oedipe bị một  người say đặt thành vấn đề, con đường đi của Oedipe bị sấm ngôn cho hay trước là vô đạo : Oedipe cảm thấy xao xuyến và khổ.
Nhưng con người có khả năng tiếp cận khổ, thì cũng có nguy cơ không hiểu, có nguy cơ lầm : Oedipe đã vận dụng ánh sáng giúp mình chế ngự thế giới trước mắt và gọi tên muôn vật để hiểu khổ và giải quyết vấn đề ý nghĩa nhân tính. Tự nơi hành vi tự cứu nầy, tương quan làm nên chân tính đã bị cắt đứt : Laios bị giết do chính thiện chí của Oedipe.
Hành vi tự cứu ấy của Oedipe cũng là hành vi biến khổ thành một thách đố để con người thể hiện ý muốn ‘làm vua’, làm chủ ý nghĩa của chân lý, được trình bày rõ qua tiếng hát phỉnh gạt của Nhân-sư và nhất là qua lối hiểu và giải quyết vấn đề của Oedipe.
Nhưng con người có khả năng lãng quên khổ một cách triệt để nơi tác động tự cứu, thì khổ lại đến như tiếng nói trả thù đòi phải làm chết đi toàn bộ thế giới của tự thân nơi con người: khổ đến để báo động nguy cơ về chân tính con người bị đe dọa từ tận căn, đụng ngay đến nền của vương quốc Thành Thèbes, đụng đến Vua Oedipe : «  Oedipe : ...Các người khổ, tất cả các ngươi, ta biết điều đó ; nhưng nỗi khổ ấy dù thế nào thì không ai trong các ngươi khổ như ta...Lòng ta đau cho cho thành Thèbes và cho các ngươi cũng như cho ta, cho chung hết [54]».

Khổ đi liền với tình trạng lâm nguy và mong ước được cứu. Tư tưởng bi kịch Hy-lạp luôn gắn liền thắc mắc về chân lý và nhu cầu được cứu độ. Hai ý niệm đó bất khả phân ly. Chân lý chỉ được gọi là chân lý khi có khả năng cứu con người đang ở trong tình trạng lâm nguy, một mất một còn .

Nhưng chân lý cứu độ ấy cứu con người khỏi nguy cơ gì, và cống hiến cho con người điều gì khi được cứu độ ?

Nguy cơ trong bản bi kịch Oedipe Vua là chính Oedipe –Vua, một nguy cơ tối hậu được mô tả như phạm đến công lý.
Tội ác, nguy cơ tự căn cơ không những nơi việc quên lãng dấu tích ở chân ghi khắc tương quan với Laios làm nên lý lịch nhân tính, nhưng còn do nơi hành vi làm lại lý lịch của mình phát xuất từ sự quên lãng nầy.
Oedipe tìm cách xa lánh điều bất chính bằng con đường tự đi đày, tự khắc kỷ, tự diệt thân với cả lòng thành khẩn của mình ; Oedipe đã vận dụng tài trí để trả lời thách đố của Nhân-sư, đem lại an bình cho Thành Thèbes ; Oedipe đã kêu gọi đến thần thánh, cử Créon đi thỉnh ý thần Phoebos ở Pythô... Nhưng toàn bộ của nỗ lực tự cứu của Oedipe là hành động của tự thân. Tự căn hành vi tự cứu là hành vi giết Laios, biến Jocaste làm vợ mình, và đánh mất hôn nhân thật làm nên lý lịch của con người. Thực trạng lâm nguy chính là con người mang nghiệp tự thân.
Chân lý cứu độ là chân lý đưa con người ra khỏi tự thân và cư ngụ lại trong mối tương giao làm nên lý lịch của mình. Chân lý ấy khai mở nơi cái chết của Jocaste, nơi Jocaste là Mẹ Cronos có khả năng trả lại lý lịch thật cho Oedipe trong khổ là nỗi nhớ Laios. Khổ là nhớ, là khát khao, là tương giao trong cảm thức xa cách.
Hơn một lần chúng ta đã nhấn mạnh rằng đoạn văn ghi lại cái chết của Jocaste và cơn giác ngộ nhận ra lý lịch của mình của Oedipe là đoạn văn trung tâm bản bi kịch. Thời điểm ấy là thời điểm bên trên, bên ngoài... bất ngờ đến để soi dọi một ánh sáng mới làm mù con mắt Vua – Oedipe, thời điểm treo thời con người hiểu biết lên và giết thời cũ ấy đi.  Nếu lấy hình ảnh thời gian như là thực trạng biểu lộ tất cả các sinh hoạt con người, thì thời điểm đóng khung trong hai cánh cửa khép chặt trên đây có thể hình dung như là trung tâm, là thời không thuộc vào thời nào trên vòng tròn cả. Thời ấy là căn nguyên và chung điểm ; nhưng nó không phải là điểm bắt đầu nào, cũng không phải là điểm đến nào được xếp trong khuôn khổ thời gian của hiểu biết.
Oedipe được cứu độ, Oedipe ở trong chân lý, con người căn nguyên và con người hoàn thành không phải là kẻ ‘tự do’ không bị lệ thuộc vào ai để hưởng hạnh phúc nơi tình trạng một mình làm chủ ; nhưng ngược lại con người được cứu độ, con người ở trong chân lý là con người đi vào trong khổ của Mẹ Jocaste để được nối lại với Laios ‘đã khuất từ lâu’, với những người khác quanh mình.

Oedipe Vua đã không cần đến ai để thắng thách đố của Nhân-sư, đã là một vị chủ duy nhất làm nền cho mọi sinh hoạt, biến tất cả những người chung quanh thành đối vật tùy nghi vâng theo ý muốn, đáp ứng những dự phóng và hành động của mình ; thực vậy đối với Oedipe thì  Jocaste, Tisérias, Créon..., ngay cả lời sấm của Thần Thánh nhất thiết phải hợp với tiền kiến và ý chí quyền lực của mình. Thế giới Oedipe có vợ là Jocaste là một thế giới đẻ ra muôn nghìn thế giới khác nhau tùy sức năng động của Dục (= ta muốn chỉ mình ta). Trong thế giới ấy, thế giới của tự thân,  không thể có một ai khác để có một hôn nhân thật, một tương giao thật làm nên chân tính con người.
Đối lại, Oedipe giác ngộ, con người nhận ra lý lịch thật của mình là người được nối lại với hôn nhân cũ tiếp cận với Thời làm trái ý mình (Cf. v. 1213,  akonq ¢), Thời không triển khai những chân trời đa dạng theo ý mình nhưng chấm dứt nghiệp ấy khi treo nó lên để có thể hé thấy một chiều kích khác vượt qua tự thân . Tiếp cận với Thời ấy, với khổ, Oedipe ‘giác ngộ’ nghe được âm vang từ bờ bên kia:  « Bấy giờ bà gọi Laios đã khuất từ muôn thủa »[55]. Và nơi âm hưởng của lời nầy, Sophocle cho thấy không những Oedipe được nối lại với Laios, mà còn được nối lại với những kẻ bên cạnh ông như  những con người khác ông và như ông : trước cửa dẫn vào tiền đường của Thời cứu độ, Oedipe không những đã cần cảm ứng của Thần Thánh mà còn nhận ra là mình cần đến những kẻ chung quanh khi van xin họ giúp trao cho ông một vũ khí, nghĩa là chia sẻ với ông trong cuộc chiến tiếp cận với Jocaste đang chết thân phận làm vợ mình và tìm lại thân thế làm vợ Laios (Cf .1255-1258).

Tương quan với Laios ‘đã khuất từ muôn thủa’ và với kẻ khác chung quanh mình làm nên ý nghĩa của chân lý ; và tương quan đó chỉ có thể được tiếp nhận và hoàn thành nơi khổ, nơi thời tính căn nguyên.
Từ nguyên sơ lúc Oedipe mới sinh thì nguy cơ lạc lầm và khổ cứu độ đã sớm ghi khắc nơi bàn chân ; và lúc giác ngộ, bước hoàn thành nhân tính thì cũng là lúc tiếp nhận Thời khổ để nối lại tương quan với Laios đã khuất từ xa xưa : tư tưởng bi kịch Hy-lạp và đặc biệt là tư tưởng của Sophocle trong bản bi kịch Oedipe Vua không bao giờ tách rời chân lý với thời tính, và cũng không đề nghị một lối cứu độ nào ngoài ‘chân lý gắn liền với thời tính nầy’.

·      Nghĩa của nhân tính là phận vụ tham dự cuộc chiến làm người

Đến đây chúng ta tự hỏi : tư tưởng bi kịch Hy-lạp phải chăng chỉ nêu lên ý nghĩa chân tính con người như một thân phận con người đầy bi thương bị chết ngộp nơi vực thẳm giữa sự thật mà hiện tại mình không thể với đến và ảo tưởng mà mình không thể thoát ra, để rồi dừng lại đó như một lý thuyết đi kèm với những tĩnh từ có tính cách tiêu cực (như duy hư vô, yếm thế) mà văn chương triết học thường sử dụng để xếp loại và đánh giá?
Câu hỏi nầy được Sophocle nêu lên qua lời thắc mắc của ca đoàn , sau khi kẻ mang tin thuật lại giây phút kỳ lạ của kẻ giác ngộ:

Ca đoàn : Nay (nun), kẻ khốn cùng phải chăng được nghĩ ngơi về lỗi lầm của mình ? [56]

Chữ nay (nun) ở câu hỏi nầy của ca đoàn đi tiếp liền chữ nay (nun) (Cf .1282-1285 ) đầy khổ đau của kẻ giác ngộ mà người đưa tin, phát ngôn của chân lý loan báo cho cộng đồng con người. Câu hỏi dấy lên phản ảnh sự chung đụng giữa hai chữ nay nầy, giữa thực tại con người và giây phút giác ngộ.
Ca đoàn gợi lên một chữ nay tiếp sau một khoảnh khắc giác ngộ trước đó như hai khoảnh khắc liên tục đi theo nhau trên một đường thẳng, hoặc trên cùng một vòng tròn ; và sự nghĩ ngơi về lỗi lầm của mình được ca đoàn hiểu như là đã trả xong nợ theo sự công bình vay trả của các mối tương quan nhân quả nơi hiểu biết về sự vật.
Nhưng trước câu hỏi nầy, người đưa tin không rơi vào bẫy như  Oedipe đã bị Nhân-sư đã đánh lừa trước đây ; thật vậy, tiếng nói của chân lý qua người đưa tin không đi vào sự đồng hoá nghĩa hai chữ nay nầy vào một nội dung chung, và cũng không đồng hóa ý nghĩa thi ca của khổ đau và lỗi lầm với ngôn ngữ thông thường được nền công lý dựa trên nguyên tắc nhân quả sử dụng. Hơn thế nữa người đưa tin đẩy lui ý nghĩa câu hỏi ca đoàn nêu lên đồng thời đưa câu hỏi ấy vào cái nhìn của kẻ giác ngộ :

 Người đưa tin : Ông ấy hét lớn để người ta mở cửa và làm cho tất cả con cháu Cadmos thấy kẻ đã giết cha và đã biến mẹ mình...- những lời của ông quá ghê tởm, tôi không thể nói lại được-. Ông ta nói ‘ như kẻ sẵn sàng tự đày mình ra khỏi xứ, kẻ không thể cư ngụ nơi ấy, bởi vì chính ông đã tự buộc mình vào lời nguyền ấy’. Tuy nhiên, ông cần có sự trợ giúp và hướng dẫn của một kẻ bên ngoài...Người ta mở ngay chốt cửa [57].

Trong câu hỏi của ca đoàn, khổ đau (tlhmwn) nơi cái chết của Jocaste và nơi thân phận người mù Oedipe được hiểu như giá phải trả cho tội ác (kakwn) và kết quả đem lại là nay là sự cân bằng, yên tịnh, không còn căng thẳng tranh chấp.
Nhưng câu trả lời của người đưa tin là lời bất ngờ làm đảo lộn lối hiểu và nền công lý con người . Oedipe hét lớn xin người ta mở cửa và cho mọi con cái của Cadmos, mọi dân thành Thèbes thấy : một âm vang từ bên kia bờ cánh cửa, tiếng thét của kẻ khổ đau  mở ra một cái nhìn khác, một lối hiểu khác về chân tính con người . Lời nầy không phát xuất từ hư không (hàm ngụ ‘chỉ mình ta với suy tư của ta mà thôi’) tự giải quyết dứt khoát chân lý con người nơi tự thân ‘ ta làm nên ta’, của kẻ hiểu biết lấy ý chí quyền lực của mình làm con đường đi cho mình. Lời nầy không không dừng lại nơi khả năng hiểu biết, đo lường sự vật để tiếp cận ý nghĩa nhân tính, biến kẻ khác thành đối tượng của hiểu biết sự vật, những đối tượng mà mình có thể sử dụng như những dụng cụ cho những toan tính của mình. Lời nầy không giúp Oedipe làm Vua của con cái Cadmos và hưởng hạnh phúc, an bình nơi thành Thèbes.
Khổ của kẻ giác ngộ là con đường khác với hạnh phúc của Vua Oedipe, đi ngược lại ý chí quyền lực của con người muốn chỉ có mình. Nhưng khổ ấy lại  là sinh lực mới của một Oedipe được tiếp nối lại tương giao với nguồn sống làm nên chân tính của con người. Vì khổ được tiếp nhận như nguồn sinh lực của một hôn nhân thật, một tương giao với tuyệt đối khác mình, nên sinh lực ấy đồng thời bung ra với tất cả mọi người chung quanh mình như một tiếng thét lớn.
Khổ không đến với con người để đem lại hạnh phúc an nghĩ của một Oedipe Vua, nhưng từng giây phút thúc giục con người « sẵn sàng đi ra khỏi quê hương Thèbes mình đang làm vua », đẩy con người vào sự xung đột không dứt giữa tự thân và nỗi khát khao chân lý : Oedipe, tên gọi tượng trưng cho con người ‘một mình’, tự mình mang ánh sáng hiểu biết và bước đi trên đường đầy hoan lạc, hạnh phúc nay phải xung đụng với một Oedipe lưu lạc xa quê, mù lòa đang nhờ người dẫn lối để đi ăn xin.
Con người ở trong chân lý là con người tiếp nhận khổ. Nhưng khổ không những là ‘Cronos  thấy tất cả, nhưng còn đánh trả lại ý của tự thân và tố giác mê lầm của tự thân’ (Cf 1213). Tiếp nhận khổ (paqoz) gắn liền với nghĩa (hqoz)[58] làm người chiến sĩ hoàn thành nhân tính.

·      Tự giác hay cứu độ ?

Nghĩa của chân tính được hiểu như một nghĩa vụ, một nỗ lực hoàn thành ngay nơi tác động chiến đấu của mình, như thế phải chăng kỳ cùng cũng chính ta tự cứu lấy ta ?
Bản văn Oedipe Vua đưa ra những động tác, những câu nói hầu như tương tự, nhưng lại hoàn toàn đối nghịch và loại trừ nhau liên quan đến nội dung của thắc mắc chúng ta gợi lên ; sự kiện đó cho thấy nan đề nầy là nỗi bận tâm đặc biệt của tư tưởng bi kịch Hy Lạp.
Chúng ta đã chứng kiến một Oedipe Vua xuất hiện từ việc tự mình đi ra khỏi quê, tự lưu đày để sống trọn đạo làm người. Nhưng thảm kịch tột cùng chính là thiện chí tối đa nầy của con người lại là hành động cắt đứt nguồn của chân lý : con đường tìm đạo ấy gắn liền với hành động giết Laios.
Nay, hầu như mâu thuẩn với kinh nghiệm lần đầu, chúng ta lại chứng kiến một Oedipe giác ngộ, khổ đau, mù mắt, nhưng cũng tự lìa quê sống lưu đày để hành đạo !
Oedipe đã nghe được tiếng nói của người say và của sấm ngôn làm cho mình khổ đau, Oedipe đã thực thi tiếng nói lương tâm để tránh tội ác, đã nghe được lời nói của sấm ngôn qua miệng Créon : « ...Tìm thì gặp ; nhưng lơ đễnh thì mất »[59] và đã tận sức tìm khi Thèbes bị lâm nguy.... Nhưng cái gì đã không ổn trong lời tự thú về sự bất lực của thiện chí của mình và nghĩa của chân lý cứu độ ? :

Oedipe : Nầy, đừng nói với tôi là điều tôi làm đã không phải là điều tốt nhất mà tôi có thể làm được ! Chớ lên mặt dạy bảo và khuyên lơn !’[60]

Tại sao có lúc tìm thì không những không gặp mà còn đi vào con đường vô đạo, nhưng rối có lúc sấm ngôn lại xác quyết tìm thì gặp ? 

Chúng ta trở lại cách đặt vấn đề ý nghĩa chân tính của con người nơi bản văn. Chân tính ở đây được nêu lên như một thắc mắc về lý lịch của Oedipe. Lý lịch đó luôn luôn liên kết với một cuộc hôn nhân, một giao ước, một tương quan.. Và điều duy nhất Cronos tố giác đó là tương quan kỳ dị, tương quan giả (ton agamon gamon) nơi thực tại của con người hiểu biết. Tất cả những gì nơi thế giới tương quan giả nầy đều là sự tráo đổi chân lý ; đó là ý nghĩa chữ ø tất cả mà Cronos thấy được khi nối lại tương quan thật trong nỗi nhớ Laios. Bản văn Oedipe Vua giải thích rõ thêm về sự chuyển biến nơi tác động làm giả. Ýù nghĩa chân tính như một tương quan bị tráo đổi nơi câu hỏi lừa bịp của Nhân-sư và nơi giải pháp dứt khoát của Oedipe. Bản văn cho hay câu hỏi lừa bịp vì chỉ hạn chế nguy cơ trước mắt, mà quên nguy cơ thật ; và câu trả lời[61] của Oedipe cho Tisérias sau đó khai mở bước trật chân căn nguyên ấy. Theo câu trả lời nầy thì nghĩa chân lý nay không còn là tương quan giữa Oedipe và Laios  (luôn khất bóng, vượt ra ngoài mọi suy tư và chân trời ánh sáng hiểu biết của Oedipe) nhưng trở thành tác động của một mình Oedipe. Tác động của một mình ta là mối tương quan giữa ta và sự vật ta muốn, ta nhìn, ta biết. Thần thánh, con người và mọi vật đều bị biến đồi thành những đối tượng đáp ứng ý muốn của một vị chủ đầy quyền uy Vua Oedipe. Tất cả những gì ngoài, khác tương quan đáp ứng ý chí quyền lực đó của Oedipe đều đã được tiên liệu là không gì cả, là kẻ thù của chân lý được tiền kiến là ‘một mình tự đủ cho mình’.
Trong lần đầu Oedipe nghe được tiếng nói của kẻ say nhắc nhỡ đến lý lịch của mình, Oedipe cũng lìa xa quê để lưu đày và thực thi nghĩa làm người. Nhưng quê Corintô, cha mẹ Polype và Mérope...tất cả đã là những đối tượng của cái nhìn của con người hiểu biết. Tất cả ấy đã ở trong vương quốc Oedipe Vua, đã bị trói buộc bởi hôn nhân giả loại trừ bất cứ liên hệ nào với Laios.
Trái lại cũng một tác động là đâm mù mắt, lìa quê để làm kẻ hành khất lưu đày nơi xứ lạ, nhưng sau khi tiếp cận Jocaste Cronos (được nối lại tương quan với Laios qua nỗi nhớ), thì đây lại là đường đi của kẻ giác ngộ.
Thật thế, bản văn nói rõ Oedipe «  giựt những kim bằng vàng găm áo của bà (Jocaste), đưa lên trên không và đâm chúng vào lòng đôi mắt »[62].
Như vậy, con đường sai lạc không phải nơi tác động nào đó của Oedipe, nhưng do nơi tương quan giả, nơi tiền kiền tự thân là chân lý. Khổ nơi Jocaste xóa đi căn rễ của tự nầy, đưa tác động của Oedipe vào lại mối tương quan với Laios.  Vì thế khổ cứu độ không thể đến được với Oedipe khi đôi đường (Laios cũng như Oedipe) không cùng tác động. Không bao giờ có khổ nếu Jocaste không bị treo lên và chết, nhưng không bao giờ khổ đến với Oedipe khi Oedipe không đưa mũi kim đâm vào mắt mình :

Oedipe : Vâng, hởi bạn bè của tôi ơi, chính Apollon gây cho tôi từ nay phải chịu những nỗi bất hạnh kinh hoàng và oan nghiệt, từ nay đây là số phận của tôi.
              Nhưng không bàn tay nào khác ngoài tay tôi đã đánh tôi, tôi nay là kẻ khốn cùng ! [63]

Chữ tự giác với âm hưởng của lời xác quyết của Oedipe Vua về hành động ‘tự  tìm nhờ tài năng của chính mình’ : ‘Và ta Oedipe đi đến, thấy không có gì hết, và chỉ một mình ta, không cần biết đến điềm mộng gì cả, ta bịt được miệng nó dựa vào tài trí của ta mà thôi [64], tự giác đó đã tiền kiến chân lý là tự thân. Nỗ lực đi tìm để gặp, để tự giác sẽ dừng lại nơi Oedipe Vua, chứ không thể gặp khổ và tham gia vào khổ để nhận ra lý lịch thật của mình.
 Lời sấm qua miệng Créon nói với Oedipe : « ...Tìm thì gặp ; nhưng lơ đễnh thì mất » (cf. 110-111) cũng là lời của kẻ đã ở trong Khổ, là chứng tá của kẻ đã gặp, của một Oedipe khổ đau nhận ra thân thế của mình. Điểm chung cuộc đó là ‘Thời gian  thấy hết, ngược với ý muốn của ngươi đã khai lộ chân tướng’[65]. Thời gian Jocaste Cronos, khổ căn nguyên nối lại tương quan làm nên nhân tính bị lãng quên, thời gian ấy đã diệt tự thân ; và hành động của Oedipe đâm mù mắt mình để tham gia khổ cứu độ và thấy lý lịch thật của mình nay phải được hiểu là ở trong vùng đất trời của tương quan với Laios ‘đã khuất’. Hành động ấy nay không còn bị chi phối bởi tiền kiến phải dựa trên Apollon hoặc trên Oedipe như hai ông Vua Oedipe biệt lập mỗi bên tự đủ cho mình.
Nên khổ cứu độ như sinh lực làm nên nhân tính không thể không do Apollon và cũng không thể không cần đến  nỗ lực con người.




[1] Ngoại trừ bóng dáng quái vật Nhân-sư như một lời dụ dỗ bên trong thôi thúc bước chân lầm lạc của con người hiểu biết, chúng ta thấy bối cảnh chung của toàn bản kịch là cuộc sống của Thành Nhã Điển lúc bấy giờ.
[2] Các nhà viết sử Tây phương thường gọi trào lưu nầy là phép lạ Hy-lạp
[3] Cf. v. 1364-1365, Oedipe : ... S’il existe un malheur au-delà du malheur, c’est là le lot d’Oedipe !
[4] J.P. VERNANT et P. VIDAL-NAQUET, sd, tr. 101 : «Không loại thể văn nào thời Thượng Cổ dùng nhiều  thành ngữ song nghĩa hơn thể văn bi kịch, và bản bi kịch Oedipe Vua có những lối nói nhị-trùng hai lần nhiều hơn các bản kịch khác của Sophocle»


[5] Sophocle là bạn Péricles, chứng kiến những thăng trầm của bạn mình, nạn chiến tranh và ôn dịch của Nhã Điển trong thời kỳ sáng tác bản văn (Xem Robert PIGNARE in Introduction, Théâtre Complet de  Sophocle, GF Flammarion, Paris, 1964 « C’est Périclès, à travers ses amis, qu’on vise. Au printemps de 431, prenant l’offensive sur me, Athènes laisse ravager l’Attique. Et cela recommence l’année suivante. Dans la ville aux rues tortueuses et sales, encombrées de réfugiés, la peste se déclare, Périclés doit se démettre, comdamné à son tour pour détournements... » tr 10 ;  in notes «  L’épidémie de 430 a pu suggérer au poète l’idée de son pathétique prologue et de son chant d’entrée du choeur » tr 341
[6]J.P. VERNANT et P. VIDAL-NAQUET,  Sd. tr. 105 :
[7] Xem PLATON, Apologie de Socrate, 29, d-e
[8] Cf. v.1400-1401, Oedipe : ...vous qui avez bu le sang de mon père versé par mes mains..   v.1186 – 1188, Le Choeur : Générations des mortels, c’est néant, à mes yeux, que votre vie.
[9] Cf. v. 397-398
[10] v.713-714, Jocaste : ...l’enfant une fois né, trois jours ne s’étaient pas écoulés, que déjà Laios, lui liant les pieds, l’avaient fait jeter sur un mont désert’...
[11] v. 436, Tisérias :...J’étais sage aux yeux de tes parents.
[12] v. 450 –456, Tisérias: Le meurier de Laios que tu recherches ..esi ici même....il mendiera et, tâtant sa soute devant lui avec son bâton, il errera en terre étrangère...
[13] 1394-1395, Oedipe  : Ô Plolype, ô Corinthe, ô vieux palais que j’appelais paternel, quelle plaie secrète recelait cette belle jeunesse que vous avez nourrie ! 
[14] v. 14
[15] v. 903
[16] v. 48
[17] v. 132
[18] v. 374-375, Oedipe – Tu ne vis que de ténèbres : comment donc me pourrais-tu nuire, à moi, comme à quiconque voit la carté du jour ? 
[19] v. 1186-1188, Le Choeur : – Pauvres générations humaines, je ne vois en vous qu’un néant !
[20] v. 1397
[21] v. 1397
[22] v. 1306
[23] v. 1415 : Mes mots à moi, il n’est point d’autre mortel qui soit fait pour les porter
[24] v. 1345
[25] v. 455-456, 1529
[26] J.P. VERNANT et P. VIDAL –NAQUET,  Mythe et tragédie en Grèce ancienne , p. 110
[27] Cf.  HÉRACLITE frg. 48 «  L’arc a pour nom bioz  ( la vie) et pour oeuvre, sa mort »
[28]  Ngôn ngữ Trung hoa và Việt nam khi dùng chữ ‘nghĩa’ để nói về con người thì luôn được hiểu lắ điều phải chu toàn để hoàn thành nhân tính, là đạo làm người.
[29] v. 879-880,
[30] v.1398, Oedipe : Ô, triple chemin !..
[31] v. 800- 813
[32] Cũng vào thời đại nầy, những bậc thầy của truyền thống văn hóa Trung Hoa, như Lão Tử, Khổng Tử, cũng như một hiền nhân khác của vùng đất Ấn độ, Đức Tất Đạt Đa cũng nhắc nhở con người nhận ra sự xa cách làm nền tảng cho bước đi làm người của mình.
Thật thế, mở đầu sách Đạo Đức Kinh của Lão Tử ta đọc được những lời khai mở sự cách biệt nền tảng đó :
« Đường mà con người (tự làm ra để) bước đi được thì không phải là Đường chân thực,
« Tên mà con người (tự nơi lời nói của mình) gọi được thì không phải là Tên chân thực».- Đạo Đức Kinh, ch. I
Khổng Tử , người được xem là kẻ san định lại Kinh Thư đã nhắc nhở :
« Tâm con người thì nguy, mà Tâm Đạo lại tinh tế... »
« Đạo không hề xa con người một giây phút, nhưng con người có thể xa Đạo và con đường đó đó là không phải Đạo....Nên người quân tử phải lưu tâm đến cái mình không thấy, và phải sợ điều mình không nghe được »
Nơi Đức Tất Đạt Đa, chúng ta nhận ra nơi con gường tìm Đạo và ngộ Đạo như hai con đường khả dĩ của thân phân làm người nơi dương gian. Con đường tìm đạo ở giai đoạn đầu với chủ tâm đồng hóa Tiểu Ngã với Đại Ngã, và con đường gặp hay ngộ Đạo. Ở đoạn đường đi tìm Đạo, Ngài tự đi xa người vào rừng vắng, ép xác để diệt dục, nhưng con đường đó đi đến ngõ bí. Con đường thứ hai là gặp gỡ, nơi ấy Ngài được chiếu sáng : cảm thức khổ căn nguyên là thời tính xuất hiện làm nên chân tính con người tại thế. Tư tưởng trong Phật học là tỉnh thức để nhận ra sự cách biệt giữa hai con đường tìm và gặp, của Dục căn nguyên làm nên tự thân và Khổ gắn liền với nhu cầu cần được giải thoát.

[33] v.713-714
[34] v.713-714, Jocaste : L’enfant une fois né, trois jours ne s’étaient pas écoulés, que déjà Laios, lui liant les pieds, l’avait fait jeter sur un mont désert.
[35] v. 779-780, Oedipe ...Dans l’ivresse, un homme m’appelle ‘enfant supposé’
[36] v. 791-793
[37] Cf. v. 800-813 
[38] 435-439 
[39] v. 130-131
[40] v. 59-60
[41] Cf. 70
[42] v. 1195-1203 
[43] v. 397 , Oedipe : Moi, Oedipe , ne voyant rien....
[44] v. 1186-1188
[45] v. 872-878,
[46] v. 297-299,
[47]v. 320-321
[48] v. 327-328 
[49] v. 333
[50] v. 345- 349 
[51] v. 369
[52] v. 356
[53] v. 362

[54] v.59-64
[55] v. 1245 
[56] v. 1286
[57] v.  1287-1295
[58] Ngôn ngữ của Trung Hoa cũng dùng chữ nghĩa hàm ngụ vừa là sự biểu lộ chân tính của con người, vừa là bổn phận con người phải chu toàn để hoàn thành nhân tính. Những truyền thống  tư tưởng với nội dung duy nhất là thắc mắc về nghĩa nầy sẽ đột nhiên biến mất trong truyền thống triết học, đúng hơn là chỉ được đánh giá như là những nhận xét về cách cư xử của con người thường được gọi là phép tắc đạo đức. Xem Aristote, Métaphysique A, 6, 987 b 1-2 :  « Socrate với những nội dung ưu tư cho những việc đạo đức, chứ không lý đến Bản chất một cách toàn bích ... »

[59] v. 110-111
[60] v. 1369-1370
[61] Cf. v. 397-398
[62] v.1268-1269 
[63] v. 1329-1333
[64] v. 397-398
[65] v.1213

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét